Bão cấp 8 vào Quảng Bình - Quảng Trị

Sự kiện: Bão số 4 Tin bão
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

13h hôm nay, tâm bão đi vào khu vực giữa Quảng Bình và Quảng Trị, sức gió mạnh nhất 74 km/h (cấp 8), mưa trước bão gây cô lập một số khu vực.

Tại bãi biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bão (tên quốc tế là Soulik) kết hợp với triều cường khiến sóng biển dâng cao 2-3 m, xô vào bờ kè. Gió không mạnh nên hàng cây ven biển không bị nghiêng ngả, gãy đổ. Mưa theo từng đợt, cường độ đã giảm dần so với buổi sáng.

Các khu vực khác của Quảng Trị, Quảng Bình gió bão chỉ khoảng cấp 6-7. Riêng đảo Cồn Cổ cách đất liền Quảng Trị khoảng 30 km, cơ quan khí tượng ghi nhận gió mạnh cấp 9, giật cấp 10.

Bão vào Quảng Trị. Video: Võ Thạnh

Sau khi vào đất liền gần hai tiếng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 16h, tâm áp thấp nhiệt đới ở Quảng Bình - Quảng Trị, sức gió mạnh nhất giảm còn cấp 6 (49 km/h), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục theo hướng tây tây nam, tốc độ 15-20 km/h, đến 1h sáng mai thì thành vùng áp thấp ở Trung Lào.

Từ sáng đến chiều, khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế mưa to, có nơi rất to như: Tà Long (Quảng Trị) 292 mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 204 mm; Hòa Thanh (Quảng Bình) 195 mm.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cảnh báo hoàn lưu bão Soulik gây mưa rất lớn ở Trung Trung Bộ, nam đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. "Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt ở vùng núi phía tây là rất cao, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An", ông Khiêm nói.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Soulik lúc 13h hôm nay. Ảnh: NCHMF

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Soulik lúc 13h hôm nay. Ảnh: NCHMF

Mưa lớn gây chia cắt giao thông, cô lập khu dân cư ở miền núi

Tại xã ven biển Hải An, huyện Hải Lăng, sóng cùng triều cường dâng cao 2-3 m, ngư dân đã đưa thuyền bè lên bờ, một số khu ven biển bị ngập. Video: Võ Thạnh

Theo Đồn Biên phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, một số đập tràn nước dâng khoảng 0,5 m khiến thôn Tri, khu tái định cư Cuôi bị cô lập. Khu tái định cư bản Cựp bị sạt lở nhẹ. Chính quyền đã di dời 4 hộ với 15 nhân khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống.

Tại huyện Đakrông, cầu tràn A Ngo - A Bung, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, Ly Tôn và ngầm qua thôn Làng Cát ngập 0,3-0,5 m. Tại huyện Hướng Hóa, hàng loạt tràn ở xã Hướng Linh, Ba Tầng, Tân Lập cũng ngập 0,5-1 m, giao thông chia cắt.

Tại Quảng Bình, một số sông suối ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa, huyện Minh Hóa nước dâng 0,5-1 m, phương tiện không thể qua lại. Các đồn Biên phòng đã phối hợp chính quyền cắm biển báo, vận động người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.

Đồn Biên phòng Cà Xèng, Đồn Ra Mai phối hợp với chính quyền xã di dời 105 hộ với hơn 500 nhân khẩu thuộc các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nhà người thân, nhà văn hóa cộng đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì 42 tổ với 120 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để cập nhật phương án sơ tán dân.

Một số ngầm tràn, khu vực ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bị ngập và sạt lở. Video: Võ Thạnh

Không phải là tâm bão, Quảng Nam trưa nay trời tạnh ráo. Tuy nhiên, mưa lớn từ đêm qua đã gây sạt lở nhiều khu dân cư, tuyến đường liên xã huyện Nam Trà My. Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch huyện, cho biết gần 1.400 người gồm bộ đội, công an, đội xung kích được huy động ứng phó mưa bão.

Huyện đã tích trữ 300.000 kg gạo; 1.200 thùng mì tôm, lương khô dự trữ tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân. Qua rà soát, huyện Nam Trà My xác định có 39 khu dân cư có nguy cơ sạt lở với hơn 5.000 người dự kiến sơ tán. "Đêm qua mưa lớn làm 17 ngôi nhà bị đất đá sạt lở tràn vào, 51 hộ dân người được sơ tán", ông Mẫn nói.

Cổ thụ đổ, đè trúng cô giáo

Ảnh hưởng hoàn lưu trước bão Soulik, khoảng 10h30 ngày 19/9, trong cơn mưa giông, cây xà cừ đường kính 70-80 cm, cao chừng 30-40 m bất ngờ bật gốc, đổ xuống giữa sân Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hà Trung, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Cô giáo Hoàng Thị Thủy, 41 tuổi và em Trương Hải Nguyên, 16 tuổi, học lớp 11A đang đi dưới sân trường bị cành cây đè trúng, gây thương tích. Cây đổ còn đè bẹp 4 ôtô loại năm chỗ của cán bộ giáo viên đậu gần gốc cây.

Theo chính quyền, khuôn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hà Trung có hàng chục cổ thụ. Cây xà cừ đổ sáng nay đã được trồng hàng chục năm trước, chưa từng gãy cành lớn. Sau sự cố, trung tâm được yêu cầu kiểm tra toàn bộ cây xanh trong sân trường, cắt tỉa nhánh để đảm bảo an toàn cho thầy và trò.

Một chiếc xe khác bị đè bẹp phần sau. Ảnh: Tống Sơn

Một chiếc xe khác bị đè bẹp phần sau. Ảnh: Tống Sơn

Tại Hà Tĩnh, ,lốc xoáy trước bão khiến 14 nhà dân ở thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh tốc mái, nhiều cây cối đổ gãy, không có thiệt hại về người. Chính quyền đã cử cán bộ đến giúp đỡ, thu dọn hiện trường, khắc phục tạm thời một phần thiệt hại để các hộ dân ổn định cuộc sống.

 Nhà dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh tốc mái trước  bão. Ảnh: Hùng Lê

Nhà dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh tốc mái trước bão. Ảnh: Hùng Lê

Thị xã Kỳ Anh - nơi được dự báo chịu ảnh hưởng lớn nhất của bão, trời mưa theo từng đợt, cây cối rung lắc nhẹ. Lực lượng chức năng đã lên phương án di dời hơn 1.400 hộ dân ở các vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi tránh trú. UBND xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, đã di dời 13 hộ dân với 36 nhân khẩu sống tại đồi cao ở thôn Lạc Thọ, Hà Văn, Hoa Thám, Quang Trung đến nơi an toàn.

Hồ miền Trung cạn nước

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, hơn 2.300 hồ ở Bắc Trung Bộ hiện đạt 43-65% dung tích thiết kế; Nam Trung Bộ gần 520 hồ dung tích tối đa 57%. Các hồ sẽ tích nước, góp phần cắt lũ và giảm ngập cho vùng lân cận khi bão vào gây mưa lớn.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đến 6h30 hôm nay, biên phòng các tỉnh đã kiểm đếm, hướng dẫn gần 67.000 tàu với hơn 306.000 người biết hướng di chuyển để trú tránh. Trong đó có 199 tàu với 868 người hoạt động khu vực ven biển Nghệ An - Quảng Ngãi, nơi chịu ảnh hưởng của bão.

Các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Bình Định hiện còn hơn 1.600 ha lúa hè thu, hơn 32.000 ha hoa màu chưa thu hoạch.

Soulik là cơn bão thứ tư trên Biển Đông trong năm nay. Trước đó ngày 7/9, bão Yagi với sức gió cấp 12-13 đổ bộ vào Quảng Ninh, sau đó càn quét hơn 10 tiếng ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Mưa bão đã làm 298 người chết, 35 người mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 50.000 tỷ đồng.

Võ Thạnh - Đắc Thành - Gia Chính - Đức Hùng - Lê Hoàng

Nguồn: [Link nguồn]

Lúc 10 giờ trưa nay, bão số 4 đang ở trên vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Thạnh - Đắc Thành - Gia Chính - Đức Hùng ([Tên nguồn])
Bão số 4 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN