Báo cáo tại Quốc hội nhắc việc "Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường"

Sự kiện: Thời sự

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội nêu rõ trong công tác phòng, chống dịch vừa qua, vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Ngày 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Uỷ ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng tuyến đầu... đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quochoi.vn

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, gây tổn hại sức khỏe và cướp đi sinh mạng của hàng ngàn đồng bào ta. Đến nay, nhờ việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch, thực hiện mục tiêu kép đã dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra thấy rằng, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế. Vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Cụ thể, báo cáo của cơ quan thẩm tra chỉ rõ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên Covid-19 chỉ trong vòng 1 ngày.

Ở tỉnh Hà Nam, chỉ sau vài giờ ban hành Quyết định áp dụng Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng với toàn bộ TP Phủ Lý thì lại ban hành Quyết định điều chỉnh, thu hẹp và giãn cách một phần của 12 xã, phường thuộc thành phố này. Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng nhắc đến việc Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương.

"Có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn còn xảy ra"- bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng việc Hà Nội liên tục thay đổi quy định về cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh: Ngô Nhung

Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng việc Hà Nội liên tục thay đổi quy định về cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh: Ngô Nhung

Ủy ban thấy rằng một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và các văn bản của Chính phủ tại các địa phương trong thời gian qua là do Chính phủ chưa ban hành được Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Uỷ ban Xã hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo có tính chất quy phạm trong phòng, chống dịch tại địa phương để điều chỉnh cho phù hợp.

"Khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch"- cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ.

Phó Chủ tịch TP.Hà Nội: Thành phố không áp dụng giấy đi đường sau 6h ngày 21/9

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố sẽ không áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến - Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN