Báo Anh: "Nỗi đau da cam" ở VN khiến tim bạn "tan chảy"
Bài báo nói về những nỗi đau mà các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam đang phải gánh chịu đã khiến độc giả Anh xúc động và bị ám ảnh sâu sắc.
Bộ ảnh do một nhà báo tự do của Anh, Francis Wade, thực hiện tại trại trẻ mồ côi Thị Nghè và Thiên Phước (TP.HCM), nơi chăm sóc nhiều em bé bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam dù chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm qua.
Bé Nguyen Thanh Nhan, 4 tuổi, đang phải điều trị đặc biệt vì bị não úng thủy
Hầu hết những em bé tại đây đều là thế hệ thứ 3 trong những gia đình có người nhiễm chất độc da cam. Ngay từ khi chào đời, các em đã phải mang trên mình những dị tật kinh khủng và nguy hiểm. Nó không chỉ khiến các em bị biến dạng, chịu đau đớn khôn cùng mà còn sẵn sàng cướp đi mạng sống của các em bất cứ lúc nào.
Một em bé khác đang khóc vì những đau đớn do di chứng chất độc để lại
Nguyen Canh Ngo, 17 tuổi, nằm trong giường chăm sóc đặc biệt
“Nhiều gia đình Việt Nam, nhất là những người sống ở các vùng quê nghèo bị nhiễm chất độc, quá nghèo khó. Họ không có đủ khả năng để nuôi dưỡng và chăm sóc y tế cho trẻ em bị dị tật nên đành đem gửi con vào đây”, Wade viết.
Các em bị gửi vào đây vì gia đình không đủ điều kiện chăm sóc
Những bức ảnh của Wade đã ngay lập tức tạo hiệu ứng lan truyền khi nó được đăng lên tờ Daily Mail và được hàng loạt tờ báo khác trích đăng.
Hàng ngàn lượt chia sẻ cũng hàng trăm bình luận về những nỗi đau mà những trẻ em mắc dị tật Việt Nam đang phải gánh chịu. Độc giả lên án những tội ác chiến tranh, nhắc nhở về bài học đắt giá khi con người đánh mất hòa bình và phẫn nộ đòi chính phủ Mỹ phải có những hành động hỗ trợ cho các nạn nhân này.
Những bức ảnh này khiến người xem rơi nước mắt
Chất độc màu da cam được Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa dùng chất độc hóa học rải lên nhiều vùng rừng núi của Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm triệt hạ nơi trú ẩn của bộ đội trong chiến tranh Việt Nam trong suốt giai đoạn 1961 – 1975. Trong khoảng thời gian đó, hơn 76 triệu lít chất độc kinh hoàng này đã được quân đội Mỹ sử dụng.
Một em bé ở trại mồ côi
Theo Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, có khoảng 3 triệu người, kéo dài đến 3 thế hệ, bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Trong số đó, ít nhất 150.000 trẻ em đã mắc phải những dị tật nghiêm trọng khi vừa mới sinh ra ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Hồi cuối năm 2013, một bộ ảnh cùng chủ đề của Nhiếp ảnh gia người Mỹ, Brian Driscoll, với cái tên đầy ám ảnh: "Will It Ever End" (Có bao giờ kết thúc?) cũng đã khiến người xem bị chấn động mạnh vì những hình ảnh quá chân thực và đau xót.
Nguyen Quang, 11 tuổi, nằm một mình trongg gian nhà tranh tối tranh sáng ở Kim Động, Hải Dương (Ảnh:Brian Driscoll/Will It Ever End)
Một chiếc xe của người khuyết tật bị nhiễm chất độc trơ trọi trong gian nhà trống ở Nha Trang (Ảnh:Brian Driscoll/Will It Ever End)
Bộ ảnh được Driscoll thực hiện tại nhiều nơi ở Việt Nam trong suốt cuộc hành trình tác nghiệp kéo dài 40 ngày ròng rã.
Huong Nghiem, 8 tuổi, nạn nhân thế hệ thứ 3 của chất độc màu da cam (Ảnh:Brian Driscoll/Will It Ever End)
Hai anh em Hung va Nguyen trong ngôi nhà ở quê (Ảnh:Brian Driscoll/Will It Ever End)
Một người cha đứng sau đứa con của mình ở Kim Động, Hải Dương. Cậu bé bị trói tay để không chùi tay vào mắt (Ảnh:Brian Driscoll/Will It Ever End)
"Sau chiến tranh, không có ai là người thắng cuộc", một độc giả người Anh đã viết đầy trải nghiệm và cay đắng sau khi xem bộ ảnh của Brian Driscoll. Thật vậy, sau chiến tranh, dù kết quả có như thế nào, những mất mát vẫn là điều hiển hiện rõ ràng nhất.