Bangladesh: Người chết vì sập nhà lên tới 622
Số người thiệt mạng trong vụ sập nhà ở Bangladesh đã lên tới 622 người, cảnh sát cho biết công tác tìm kiếm vẫn được tiếp tục trong vụ tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Cảnh sát cho biết, tính đến đêm qua, số người thiệt mạng là 622. Nhiều thi thể đang phân hủy vẫn đang kẹt dưới đống bê tông gạch vữa của tòa nhà Rana Plaza.
Thảm họa hôm 24/2 có thể được coi là tai nạn nhà xưởng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Vụ cháy nhà xưởng Triagle Shirtwaist ở New York năm 1911 chỉ khiến 146 người thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn năm 2012 ở Pakistan khiến 260 người chết. Cùng năm đó, vụ cháy tại một xưởng may ở Bangladesh giết chết 112 người.
Một kiến trúc sư làm việc tại công ty thiết kế nói rằng tòa Rana Plaza không được thiết kết để chứa các thiết bị công nghiệp trọng lượng lớn, chưa kể việc nó được xây thêm 3 tầng trái phép. Các xưởng may đóng tại đây còn sử dụng một số máy phát điện cỡ lỡn. Chúng được bật lên không lâu trước khi tòa nhà bị sập.
Đau đớn vì người thân thiệt mạng vì sập nhà
Kiến trúc sư Masood Reza nói rằng tòa nhà được thiết kế năm 2004 làm trung tâm mua sắm, chứ không phải để phục vụ mục đích công nghiệp.
“Chúng tôi thiết kế tòa nhà gồm 3 tầng dành cho các cửa hàng mua sắm và 2 tầng làm văn phòng. Nhưng họ đã xây thêm 3 tầng và cho thuê xưởng trên các tầng cao nhất”, Reza nói.
Quan chức nói rằng việc sử dụng vật liệu kém chất lượng kết hợp với việc máy móc tạo ra độ rung quá lớn khiến tòa nhà đổ sập.
Tòa nhà xuất hiện vết nứt lớn một ngày trước khi thảm họa xảy ra. Mohammed Sohel Rana, chủ tòa nhà, yêu cầu kỹ sư Abdur Razzak Khan giám sát. Khan nói rằng mọi người nên được sơ tán, và thậm chí cảnh sát cũng đã ra lệnh sơ tán. Tuy nhiên, một số nhân chứng nói rằng vài giờ trước khi nhà sập, Rana nói với mọi người rằng tòa nhà vẫn an toàn, nên quản lý của các xưởng may yêu cầu công nhân vào tiếp tục làm việc.
Rana đã bị bắt với cáo buộc sơ suất, xây dựng trái phép và buộc công nhân phải làm việc trong tình trạng nguy hiểm. Hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là 7 năm tù giam. Chưa rõ liệu ông ta có phải chịu thêm tội nào không.
Ngành công nghiệp may mặc trị giá 20 tỷ USD của Bangladesh cung cấp hàng cho các nhà bán lẻ lớn khắp thế giới. Sản phẩm may mặc chiếm tới 80% tổng sản lượng xuất khẩu của quốc gia Nam Á nghèo khó.
Vụ tai nạn trên khiến nhiều người hoài nghi về cam kết của các nhà bán lẻ thế giới nhằm bảo đảm điều kiện an toàn lao động cho công nhân.
Lương tối thiểu của công nhân dệt may Bangladesh chỉ là 38USD/tháng sau khi được tăng gấp đôi nhờ hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực của công nhân gần đây. Ngân hàng thế giới cho biết thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh năm 2011 chỉ là 64 USD (khoảng 1,3 triệu đồng)/tháng.