Bangladesh: 10 người cháy ra tro trong xưởng may

Một vụ cháy lớn tại xưởng may ở Bangladesh đã khiến ít nhất 10 nạn nhân thiệt mạng.

Ngày 8/10, một ngọn lửa bùng lên dữ dội tại một nhà máy dệt may ở Bangladesh khiến 10 người thiệt mạng chỉ 6 tháng sau khi một nhà máy tương tự sụp đổ ở đất nước này cướp đi sinh mạng của 1.100 người.

Vụ cháy xảy ra ở nhà máy dệt may Aswad ở Gazipur, ngoại ô Dhaka và lính cứu hỏa đã phải mất tới 10 tiếng đồng hồ mới kiểm soát được ngọn lửa.

Bangladesh: 10 người cháy ra tro trong xưởng may - 1

Vụ cháy bùng phát dữ dội suốt 10 giờ trong xưởng may

Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên có một số thông tin cho rằng ngọn lửa có thể đã bùng lên ở phân xưởng dệt sau khi một chiếc máy gặp trục trặc và phát nổ.

Chính phủ Bangladesh cho biết họ đã mở một cuộc điều tra nguyên nhân vụ cháy này, trong khi lính cứu hỏa xác nhận tổng giám đốc nhà máy đã thiệt mạng trong vụ cháy.

Một giám đốc của nhà máy này cho biết có 170 công nhân đang làm việc trong nhà máy khi vụ cháy xảy ra, và người ta tin rằng những nạn nhân của vụ cháy này đang phải làm thêm giờ.

Nhà chức trách Bangladesh cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy này có thể sẽ tăng lên trong khi lính cứu hỏa bắt đầu tìm kiếm bên trong nhà máy. Mặc dù ngọn lửa đã được khống chế nhưng nhà kho nơi cất trữ vải vóc vẫn đang âm ỉ cháy, trong khi các thi thể đã bị cháy ra tro không thể nhận dạng được.

Bangladesh: 10 người cháy ra tro trong xưởng may - 2

Nhiều thi thể cháy ra tro trong vụ cháy

Ngành công nghiệp dệt may Bangladesh đứng thứ 3 trên thế giới về quy mô, tuy nhiên các nhà máy dệt may ở đây đang phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề sau những thảm họa về lao động liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây.

Hồi tháng 11 năm ngoái, 112 công nhân đã thiệt mạng trong một vụ cháy nhà kho quần áo khác gần Dhaka. Trong vụ cháy này, các công nhân đã không thể thoát ra ngoài vì không có đủ lối thoát khẩn cấp trong xưởng may mà họ làm việc, khiến một số người phải nhảy ra từ cửa sổ.

Ngọn lửa bùng phát từ tầng trệt của tòa nhà và nhanh chóng lan lên các tầng trên, trong khi toàn bộ 3 lối thoát hiểm đều dẫn xuống bên trong tầng 1 đang bị lửa nuốt chửng. Theo các chuyên gia, trong vụ cháy này chỉ cần có một lối thoát hiểm ra bên ngoài thì con số thương vong đã ít hơn rất nhiều.

Hòi tháng 4, tòa nhà Rana Plaza 8 tầng ở Savar sụp đổ đã khiến dư luận phẫn nộ và yêu cầu chính phủ cải thiện các biện pháp an toàn ở đất nước này. Sau thảm họa này, các nhà bán lẻ quốc tế như Primark đã nhất trí tổ chức thanh tra các nhà máy dệt may.

Theo điều tra của AP sau thảm họa này, nhiều nhà máy dệt may ở Bangladesh đã tự ý xây thêm tầng vượt quá khả năng chịu đựng của móng, và các nhà máy này thường được bố trí tại các nhà chung cư cũ vốn không được thiết kế để chịu được tải trọng của các loại máy móc nặng.

Mỗi năm Bangladesh thu về khoảng 20 tỉ USD từ xuất khẩu hàng dệt may, chủ yếu là tới Mỹ và châu Âu. Ngành công nghiệp này cũng thu hút tới 4 triệu lao động ở Bangladesh, trong đó chủ yếu là phụ nữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN