Băng cướp tiệm vàng và kỳ án 10 năm (P2)

Trong nhiều năm liền, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sau này) đã nêu ra những vụ cướp tiệm vàng như một món nợ trước dân phải trả. Mọi biện pháp nghiệp vụ, nhiều lực lượng đã được huy động để truy tìm tung tích băng cướp, nhưng...

Phần 2: Món nợ

Đại tá Phạm Văn Tám, trưởng phòng điều tra án nhân thân, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TT-XH (C45), Bộ Công an, nhớ lại: Từ năm 2000-2005, hàng loạt vụ án có tính chất tương tự nhau xảy ra ở các tỉnh, thành khiến lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (TCCS) mất ăn mất ngủ.

Hàng loạt vụ cướp có tình tiết giống nhau: xảy ra vào chập tối, khi chủ tiệm vàng vận chuyển tiền vàng từ tiệm vàng về nhà, thủ đoạn là tấn công phủ đầu bằng hung khí hoặc súng, sẵn sàng giết nạn nhân không ghê tay, băng cướp từ 2-4 đối tượng, tuổi từ 25-40. Dù các địa phương đã lập chuyên án riêng để điều tra, nhưng lãnh đạo Bộ Công an vẫn chỉ đạo TCCS lập chuyên án để phối hợp các địa phương điều tra.

Thế nhưng, lần lượt hai chuyên án được mở ra rồi khép lại vì không tìm ra manh mối gì. Theo đại tá Tám, trong chuyên án đầu tiên, trung tướng Nguyễn Việt Thành (nguyên phó tổng cục trưởng TCCS) khi đó đã nắm tới từng báo cáo chi tiết, chỉ đạo từng tổ công tác những công việc phải làm để dựng cho được đặc điểm của các đối tượng trong băng cướp. Đích thân tướng Nguyễn Việt Thành viết thư giao cho công an địa phương tới từng tiệm vàng tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố để thông báo đặc điểm số vàng bị cướp, đặc điểm nhận dạng của các đối tượng để các tiệm vàng thông báo khi có người tới tiêu thụ vàng cướp được. Tiếp sau đó, trung tướng Phạm Nam Tào (nguyên phó tổng cục trưởng TCCS) là người trực tiếp chỉ đạo ban chuyên án tham gia tìm hiểu từng vụ án mới xảy ra. Mỗi tháng một lần, có lúc cao điểm là mỗi tuần một lần, trung tướng Phạm Nam Tào lại họp ban chỉ đạo các địa phương để nghe báo cáo tiến độ điều tra.

...Tối 17-11-2003, vợ chồng ông chủ tiệm vàng Bảo Hòa (chợ Long Thành, H.Long Thành, Đồng Nai) chở tiền, vàng từ tiệm vàng về nhà. Về gần tới nhà thì họ bị một nhóm bốn người dùng tuýp sắt tấn công để cướp. Vợ chồng ông Hòa chống cự, la lên cầu cứu thì bị hai trong số bốn đối tượng nổ súng bắn rồi tẩu thoát, chưa kịp lấy tiền, vàng. Nhận định đây là thủ đoạn của băng cướp đã gây ra các vụ trước đó, ban chuyên án cử một tổ công tác của C45 lập tức xuống hiện trường. Tại đây, tổ công tác phát hiện có một nhóm người khả nghi đang theo dõi việc khám nghiệm hiện trường. Tổ công tác đã bí mật lấy dấu vân tay, cử người đeo bám, sau đó so sánh dấu vết hàng chục ngàn đối tượng lưu trong hồ sơ nhưng không tìm ra manh mối gì.

Đến ngày 2-10-2004, tại đường số 23, P.4, Q.8, băng cướp tiếp tục nổ súng bắn ông Doãn Mỹ (chủ tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển, Q.8) tử vong để cướp tiền, vàng. Tổ công tác của C45 tiếp tục được cử xuống hiện trường để cùng công an địa phương điều tra. Theo đại tá Tám, tại hiện trường chỉ thu giữ được vỏ đạn, đầu đạn, dép của hung thủ, còn bọn cướp đội nón, mặc áo mưa, đeo khẩu trang nên việc nhận dạng gần như không thể. Tuy nhiên, qua hiện trường vụ cướp này và các vụ trước đó, ban chuyên án đã đưa ra một số nhận định mới.

Băng cướp tiệm vàng và kỳ án 10 năm (P2) - 1

Ba vỏ đạn, một viên đạn lép thu tại hiện trường và hai đầu đạn lấy từ thi thể ông Doãn Mỹ - nạn nhân của băng cướp - Ảnh: g.m. chụp lại

Hết “bài”

Từ những nhận định ban đầu về băng cướp, lãnh đạo TCCS đã yêu cầu công an các tỉnh, thành phố trên cả nước rà soát toàn bộ các băng nhóm có biểu hiện nghi vấn vào thời điểm xảy ra vụ cướp. Tất cả các vụ án xảy ra trên cả nước mà phát hiện có súng K54, K59 (hai loại súng băng cướp dùng gây án) đều phải đưa đi giám định, so sánh với dấu vết của các vụ cướp tiệm vàng đã xảy ra. Các đối tượng bị bắt giữ tại các địa phương, các bị án tại các trại giam đều được phân loại, so sánh dấu vết và đặc điểm nhận dạng để tìm kiếm manh mối băng cướp. Công an các địa phương được giao nhiệm vụ rà soát từng đối tượng hình sự có biểu hiện giàu lên bất thường.

Một thành viên ban chuyên án nhớ lại: Do đánh giá có các đối tượng hình sự từ phía Bắc tham gia gây án, lãnh đạo Bộ Công an, TCCS khi đó đã yêu cầu công an các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định phải cử lãnh đạo phòng hình sự, các trinh sát, điều tra viên kỳ cựu vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam để hỗ trợ công tác điều tra. Trong đó, lãnh đạo TCCS yêu cầu công an các tỉnh, thành này phải rà soát các đối tượng hình sự của địa phương mình di chuyển vào các tỉnh phía Nam sinh sống. Công an TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long là những địa phương xảy ra các vụ cướp, cũng là những nơi chịu áp lực nặng nề nhất về món nợ trước dân. Mỗi khi xảy ra một vụ việc có liên quan tới vũ khí, các vụ cướp hay đối tượng có dấu hiệu giống với các thành viên của băng cướp là lãnh đạo công an địa phương, các tổ công tác của C45 phải trực tiếp tìm hiểu, khai thác, so sánh và báo cáo lãnh đạo ban chuyên án.

Đại tá Tám cho biết hàng ngàn đối tượng hình sự có dấu hiệu giàu lên bất thường được giám sát, điều tra, hàng trăm vụ án có liên quan tới vũ khí được các tổ công tác của C45 trực tiếp khai thác, giám định. “Chúng tôi đã cử hàng chục tổ công tác với hàng trăm chuyến đi tới các địa phương để phân loại, lấy dấu vân tay hàng chục ngàn đối tượng nghi vấn về so sánh; giám định hàng trăm khẩu súng nhưng đều không có kết quả. Gánh nặng tâm lý đè lên vai lãnh đạo bộ, lãnh đạo tổng cục và bản thân chúng tôi mỗi lúc một lớn. Sự mất mát, tổn thương của các nạn nhân bị cướp cộng dồn mỗi lúc nhiều hơn, nỗi lo về tội ác băng cướp có thể gây ra bất cứ lúc nào khiến chúng tôi chưa hề thấy yên lòng”, đại tá Nguyễn Tri Phương, cục phó C45, tâm sự.

Một cán bộ tham gia chuyên án kể: Năm 2006, bằng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện Nguyễn Văn Nhãn (còn gọi là “Chó lửa”, 49 tuổi, ngụ huyện Hòa Thành, Tây Ninh) có biểu hiện nghi vấn là thành viên tham gia hàng loạt vụ cướp tiệm vàng. Cả lãnh đạo ban chuyên án và Công an tỉnh Tây Ninh mừng hơn bắt được vàng, triển khai nhiều biện pháp để tìm cách khai thác thông tin này. Tuy nhiên dường như “đánh hơi” thấy khả năng bị phát hiện, Nhãn đã dùng “tuyệt chiêu” để “cắt đuôi”. Thông tin từ đầu mối này cuối cùng cũng đi vào ngõ cụt. Lần lượt hai chuyên án được lập nhưng đành phải tạm đình chỉ. Băng cướp giết người vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

------------------------------------------

Hơn mười năm sau vụ cướp đầu tiên, không một manh mối nào về băng cướp được tìm ra. Một ngày đầu tháng 8-2011, C45 nhận được một đơn tố cáo của nhân vật bí mật...

Phần 3: Đi tìm người tố cáo bí ẩn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Minh - Ngọc Khải (Tuổi Trẻ)
Băng cướp tiệm vàng và kỳ án 10 năm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN