Chuyện lạ ở Cà Mau: "Dân ấp nào bắt cá ấp đó"
Theo các chuyên gia, quy ước này là không hợp lý, mang tính ngăn sông cấm chợ, trái với quy định của pháp luật.
Ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau có một quy ước lạ, đang gây tranh cãi. Quy ước này quy định (đoạn) sông của ấp nào thì chỉ người dân của ấp đó được đánh bắt cá, cấm người dân ở ấp khác đến đánh bắt cá, ai vi phạm sẽ bị xử lý. Quy ước này được viết trên tấm biển lớn, dựng ở các đầu kênh từng ấp.
Nhiều người không đồng tình
Ông Đinh Tấn Lạc, Phó Chủ tịch xã Khánh Lộc, cho biết toàn bộ ấp trong xã thực hiện quy ước người dân ấp nào chỉ được đánh bắt cá dưới sông ở ấp đó, người dân nơi khác đến đánh bắt cá sông của ấp sẽ bị lập biên bản và xử lý theo quy ước của ấp.
Theo ông Lạc, quy ước này được thực hiện từ cuối năm 2021. Khi đó, tất cả ấp trong xã đều lập một tấm biển lớn ghi rõ nội dung quy ước.
Trên tấm biển “niêm yết” tại ấp Vườn Tre ngoài nội dung quy định nói trên, cuối tấm biển còn ghi rõ: “Trích nội quy trong quy ước được UBND huyện ban hành tại Quyết định 5681/QĐ ngày 1-10-2019”.
Vì thực hiện quy ước này, một số người dân đi vào ấp câu cá bị người dân trong ấp ngăn cản, đuổi ra. Những người đi câu lại cho rằng pháp luật không cấm câu cá dưới sông công cộng.
Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, nói ông chưa nắm thông tin quy ước trên; ông sẽ kiểm tra, rà soát và trả lời PV sau.
“Cái việc ngăn sông như vậy là không đúng rồi. Có lẽ ấp tự làm. Tôi sẽ kiểm tra, làm rõ và phản hồi cho báo chí trong tuần sau” - ông Công nói.
Quy ước, hương ước phát huy vai trò tự quản...
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM), hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Quy ước lạ “sông của ấp nào thì chỉ dân của ấp đó được đánh bắt cá” ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ
Mục đích xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước là để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nó góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Tinh thần nói trên được quy định tại Điều 2, Điều 3 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
“Vì vậy, hương ước, quy ước phải góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư, điều chỉnh những quan hệ hằng ngày để giữ gìn đoàn kết...” - TS Tiến nói.
Nhưng phải dựa trên pháp luật
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tiến cho rằng hương ước, quy ước phải dựa trên quy định của pháp luật.
“Hương ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Điều 4 Quyết định 22/2018/QĐ-TTg quy định hương ước không được vi phạm quyền con người, quyền công dân và không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất...” - TS Tiến dẫn chiếu.
Cạnh đó, theo TS Tiến, BLDS 2015 quy định tài sản thuộc sở hữu toàn dân gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác... do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Do đó, toàn bộ biển cả, sông ngòi, kênh rạch... đều thuộc sở hữu toàn dân, chứ không phải cứ sông ở ấp nào là của ấp đó. Cá hay các loài thủy sản trong tự nhiên, trong sông ngòi, kênh rạch cũng không thuộc sở hữu của một cá nhân nào, trừ cá nuôi.
“Vì vậy, việc quy ước quy định người dân ấp nào chỉ được đánh bắt cá ở khúc sông qua ấp đó... là một quy ước ngăn sông cấm chợ, trái quy định của pháp luật. Cũng cần nói thêm rằng chúng ta có thể đặt ra các quy định, hương ước về khai thác, đánh bắt cá hợp lý như cấm đánh bắt cá nhỏ, cá tới mùa sinh sản, cá quý hoặc sử dụng phương tiện giết cá hàng loạt... để bảo vệ nguồn tài nguyên chứ không thể quy định người dân ấp nào chỉ được đánh bắt cá ở sông ấp đó” - TS Tiến nhận định.
Theo TS Tiến, quan niệm xưa nay là chim trời, cá nước, pháp luật cũng không cấm, không hạn chế quyền khai thác nếu đánh bắt cá hợp pháp... Vì vậy, việc quy ước sông của ấp nào thì chỉ người dân của ấp đó được đánh bắt cá là không hợp lý, trái pháp luật.
Ví dụ về một quy ước tiến bộ Có một quy ước ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An được người dân nơi đây tuân thủ rất tốt, đó là quy ước bảo vệ một số loài cá. Quy ước này nhằm bảo tồn các loài cá quý trên các con suối của xã khi những con suối ngày càng cạn kiệt cá. Quy ước nghiêm cấm mọi hành vi đánh bắt tại một số khu vực suối, mục tiêu nhằm bảo vệ, giữ gìn các loài cá quý đang có nguy cơ biến mất. Các khu vực cấm được cắm mốc, treo biển cấm. Đặc biệt, dưới suối không có lưới che chắn, cá khi trưởng thành có thể di chuyển ra ngoài phạm vi vùng cấm và người dân vẫn có quyền đánh bắt cá ở ngoài phạm vi cấm. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM |
Quy ước dân trong ấp mới được đánh bắt cá trên sông của ấp được viết trên tấm biển lớn, dựng ở các đầu kênh từng ấp.
Nguồn: [Link nguồn]