Bàn về công vụ trong vụ người đàn ông xưng "ban chỉ đạo quận 7"

Sự kiện: Thời sự

Công vụ là việc công; còn người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức... được người có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Cơ quan tố tụng quận 7, TP.HCM đã thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Hồ Hữu Nhân (sinh năm 1980, ngụ Tiền Giang) từ tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác sang tội chống người thi hành công vụ.

Trước đó, chiều 29-8, ông Nhân đã dùng thẻ công tác tình nguyện viên của vợ để vào siêu thị mua sữa cho con. Khi bị bảo vệ siêu thị chặn lại, đề nghị đặt hàng online, ông Nhân kéo khẩu trang xuống khỏi mặt, cự cãi và tự xưng “là ban chỉ đạo quận 7, là địa phương ở đây, là quản lý địa bàn…”.

Việc khởi tố ông Nhân tội chống người thi hành công vụ vì hành vi cự cãi, đe nẹt bảo vệ siêu thị liệu đã phù hợp? Bảo vệ siêu thị có phải người thi hành công vụ, công vụ của bảo vệ ở đây là gì? Với hành vi của mình, ông Nhân phải bị xử lý sao mới đúng?

Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ông Hồ Hữu Nhân làm việc với công an. Ảnh: TỰ SANG

Ông Hồ Hữu Nhân làm việc với công an. Ảnh: TỰ SANG

Hiểu sao về công vụ và người thi hành công vụ?

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Công vụ là việc công. Còn người thi hành công vụ được hiểu bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội (khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013).

“Từ quy định này có thể thấy rằng bảo vệ siêu thị đang thực hiện nhiệm vụ có tính chất tư (nhiệm vụ bảo vệ siêu thị) chứ không phải thực hiện nhiệm vụ có tính chất công do các tổ chức công (Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội...) giao nên không được coi là người thi hành công vụ” - TS Phan Anh Tuấn nhận định.

Cùng quan điểm trên, ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nhân viên bảo vệ trong vụ án này chưa đáp ứng tư cách của một người thi hành công vụ.

Các nguyên tắc trong thi hành công vụ được xác định theo Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 như sau: Tuân thủ hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát; bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả; bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.

Như vậy, ngoài thành viên của các cơ quan công quyền, việc xác định tư cách người thi hành công vụ đối với những chủ thể khác đòi hỏi sự cân nhắc thấu đáo khi thông qua những quyết định pháp lý công khai, minh bạch và đúng thẩm quyền... Nhân viên bảo vệ không có dấu hiệu nhận diện (trang phục, thẻ công vụ) cũng như quyết định trao quyền của người thi hành công vụ.

Có khiên cưỡng trong việc khởi tố?

Các giảng viên nhấn mạnh việc áp dụng pháp luật cần nghiêm minh và đúng đắn, kẻo tạo tiền lệ tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân và uy tín của cơ quan nhà nước.

Xung quanh hành vi vi phạm của ông Nhân, các giảng viên cho rằng với những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch, ông Nhân bị xử lý hành chính là phù hợp. Việc khởi tố ông tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, sau đó chuyển tội danh sang chống người thi hành công vụ là khiên cưỡng.

TS Phan Anh Tuấn phân tích: “Một hành vi bị coi là tội phạm thì phải có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nếu hành vi đó không mang tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội thì xử lý bằng các biện pháp khác như hành chính, dân sự... vẫn hiệu quả. Nếu biện pháp xử phạt không phù hợp thì người dân chỉ thấy sự hà khắc của pháp luật và người áp dụng pháp luật; người dân không thấy được tính nhân đạo của pháp luật, không thấy được pháp luật sinh ra để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người trong xã hội”.

ThS Lưu Quang Đức cho rằng hành vi của ông Nhân có dấu hiệu vi phạm các quy định phòng chống bệnh truyền nhiễm vì tháo khẩu trang, không giữ khoảng cách khi giao tiếp tại nơi công cộng và gây rối trật tự công cộng khi tự ý vén dây ngăn cách, bước vào bên trong siêu thị, cự cãi với bảo vệ và nhân viên siêu thị.

Những hành vi này là trái pháp luật và rất đáng lên án trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, do hậu quả của các hành vi chưa đến mức nghiêm trọng nên chỉ cần xử phạt hành chính là đã đủ sức răn đe đối với người vi phạm cũng như phòng ngừa chung đối với xã hội.

Lo ngại về tính đúng đắn của việc áp dụng pháp luật

Nếu người làm việc tư được đánh đồng với người làm việc công thì dư luận xã hội có quyền hoài nghi về tính đúng đắn của việc áp dụng pháp luật trong vụ án này. Liệu cơ quan pháp luật có đang dựa vào áp lực chống dịch để áp dụng pháp luật một cách quá tay, chưa phù hợp với quy định cơ bản của pháp luật?!

ThS LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM 

Xử nghiêm nhưng phải đúng luật

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, đánh giá rằng do nhận thấy việc khởi tố ông Nhân tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác là chưa phù hợp nên cơ quan điều tra và VKSND quận 7 đã chuyển sang tội chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, đối với tội chống người thi hành công vụ thì những hành vi, lời nói của ông Nhân với nhân viên và bảo vệ siêu thị cũng chưa thỏa mãn dấu hiệu ở mặt khách quan của tội này. Đó là ông Nhân không có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Bảo vệ siêu thị không phải người thi hành công vụ, bởi lẽ họ không được người có thẩm quyền giao thực hiện việc công. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ siêu thị, ngăn cản sự tùy tiện đi vào siêu thị như trường hợp ông Nhân.

Ông Nhân sau khi bị ngăn cản vào siêu thị thì “nổ” mình là địa phương, là quản lý địa bàn này, đồng thời lớn tiếng đe nẹt, đòi gọi công an đến làm việc. Giả sử bảo vệ siêu thị không xử lý được trường hợp chống đối của ông Nhân, đành phải gọi công an đến xử lý thì khi đó nếu ông Nhân chửi bới, tấn công, cản trở công an làm nhiệm vụ thì mới coi là có hành vi chống người thi hành công vụ.

Trên thực tế, hành vi vi phạm của ông Nhân tại thời điểm dịch bệnh căng thẳng đã gây bức xúc trong cộng đồng. Những hành vi này phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, xử lý nghiêm phải bao gồm cả sự rõ ràng, minh bạch và đúng pháp luật.

Luật sư Phạm Công Hùng nhấn mạnh: Từ những phân tích trên cho thấy không đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Nhân. Do đó, cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý hành chính đối với ông Nhân cũng bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Từng có vụ án chống người thi hành công vụ gây tranh cãi

Sáng 28-4, TAND quận 7, TP.HCM tuyên phạt Bùi Anh Huân một năm cải tạo không giam giữ về tội chống người thi hành công vụ.

Tại phiên tòa, Huân khai mình không biết ông Hà Ngọc Gia (bảo vệ chung cư) là người thi hành công vụ. Ông Gia thừa nhận mình cũng có lỗi khi nhắc nhở mà Huân đeo tai nghe không nghe thấy, còn gạt tay ông. Khi đó ông tức giận la lớn, lấy ghế đánh Huân.

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 30-3, Huân chạy bộ tập thể dục không đeo khẩu trang trong khu dân cư Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, quận 7. Lúc này, ông Gia đang làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu tại khu dân cư trên nhắc nhở. Hai bên xảy ra ẩu đả, ông Gia bị Huân đấm vào mặt, gây thương tích 24%.

HĐXX TAND quận 7 nhận định có đủ căn cứ kết luận bị hại có thẩm quyền nhắc nhở việc đeo khẩu trang trong ca trực. Bị cáo không chấp hành mà còn đánh trả, đó là hành vi chống người thi hành công vụ. 

HĐXX lập luận: UBND phường Phú Mỹ triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Từ đó, doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm theo văn bản do UBND phường gửi xuống.

Do đó, bị hại đang thực hiện nhiệm vụ tại thời điểm xảy ra sự việc, có đủ thẩm quyền nhắc nhở người không đeo khẩu trang khi ra đường. Bị hại làm việc theo chỉ đạo từ cấp trên là đến nhắc nhở bị cáo đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa khẳng định rằng hồ sơ cho thấy bảo vệ này chỉ làm công việc bảo vệ thời vụ, không ký hợp đồng lao động. Hơn nữa, hồ sơ vụ án không có văn bản nào thể hiện việc cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chỉ đạo doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ nhắc nhở người đi đường đeo khẩu trang. 

Bất ngờ đổi tội danh đối với người xưng ”Tui là ban chỉ đạo quận 7”

Sau hơn 1 tháng điều tra, cơ quan công an xác định hành vi của người xưng "Tui là ban chỉ đạo quận 7" không phạm vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRÚC PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN