Bán thực phẩm bẩn, rửa rau bằng nước bẩn sẽ bị phạt nặng
Hành vi sử dụng nước không đảm bảo để rửa, sơ chế sản phẩm sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định.
Người dân dùng nước ở dòng kênh bẩn rửa rau trước khi đem ra chợ bán ở xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội (ảnh Hồng Phú)
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản – Nafiqad (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị các địa phương giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm về sử dụng nước bẩn, các phụ gia tẩm, ướp thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Nafiqad cho hay, gần đây, một số cơ quan báo chí phản ánh nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm như rửa rau dưới dòng nước thải, dùng hóa chất nhuộm ruốc, măng tươi tẩm hóa chất… Nafiqad đã yêu cầu các đơn vị liên quan tại địa phương báo chí phản ánh kiểm tra, xác minh và xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cho biết, quy định xử phạt các hành vi sử dụng nước bẩn, không đảm bảo để rửa sơ chế, chế biến thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm, tẩm, ướp, bảo quản thực phẩm… đã có đầy đủ trong Nghị định 178 của Chính phủ.
“Các sự cố vệ sinh, an toàn thực phẩm liên tiếp được phản ánh, nó không chỉ ra ở một số địa phương bị phạt hiện mà có thể còn xuất hiện ở các nơi khác. Quy định mức xử phạt đã có từ lâu nhưng thường vẫn còn chuyện nể nang không phạt.Vì vậy, chúng tôi yêu cầu phải kiên quyết xử phạt nghiệm, tránh bỏ sót”, ông Tiệp cho hay.
Theo Nghị định 178 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, cơ sở kinh doanh có hành vi sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Trước đó, báo chí cũng phản ánh người dân ở xã Yên Hòa, Yên Mỹ, Hưng Yên và xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội, người dân dùng nguồn nước bẩn có rác, nước thải sinh hoạt để rửa rau hàng ngày mang đi bán. Tại Phú Yên, người dân dùng phẩm màu để nhuộm ruốc tươi… gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng 25 mẫu măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến trên địa bàn để kiểm tra. Trong 9 kết quả gửi phân tích, có tới 7 mẫu phát hiện chất vàng ô, 2 mẫu măng màu trắng tự nhiên không phát hiện có chất cấm.Chất vàng ô là chất sử dụng trong công nghiệp nhuộm, xây dựng, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.