Bán thanh lý tài sản sai quy định, huyện đòi lại nhà đất nhưng dân không trả
Các xã bán thanh lý tài sản công sai quy định buộc phải thu hồi, nhưng người dân không đồng ý. UBND huyện Quế Sơn buộc phải ‘cầu cứu’ UBND tỉnh Quảng Nam.
Ngày 24-5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có văn bản gửi Sở TN-MT, Sở Tài chính về việc kiểm tra, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của UBND huyện Quế Sơn về thực hiện kết luận thanh tra.
Thu hồi tiền bán thanh lý tài sản trả lại cho dân
Trước đó, UBND huyện Quế Sơn báo cáo xin chủ trương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra việc bán thanh lý tài sản và chuyển quyền sử dụng đất tại ba cơ sở, gồm: Trường Mẫu giáo thôn Nghi Hạ (xã Quế Hiệp), Trường Mẫu giáo thôn Phong Phú (xã Quế Thuận), Trường Tiểu học Quế Phú 2 (phân hiệu Hương Quế Tây, xã Quế Phú).
Bán thanh lý tài sản công sai quy định nên UBND huyện Quế Sơn đang báo cáo xin chủ trương giải quyết. Ảnh: TN
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong việc bán thanh lý tài sản và chuyển quyền sử dụng đất tại 3 cơ sở trên. Các sai phạm này xảy ra từ nhiều năm trước. Sau khi mua thanh lý, các hộ dân đầu tư xây dựng công trình, nhà ở kiên cố trên đất.
Để xảy ra sai phạm, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn đề nghị xem xét kỷ luật 16 cán bộ, công chức liên quan. Giao Chủ tịch UBND xã và các cá nhân liên quan đến sai phạm thu hồi hơn 162 triệu đồng từ việc bán thanh lý tài sản, giao quyền sử dụng đất công không đúng thẩm quyền để hoàn trả lại cho các hộ dân.
Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Nguyễn Phước Sơn giao cơ quan chuyên môn tham mưu thu hồi toàn bộ tài sản công, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 3 cơ sở trên.
Dù kết luận thanh tra đã ban hành cuối năm 2022 nhưng đến nay UBND huyện Quế Sơn vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do không nhận được sự thống nhất từ người dân.
Huyện này đã kỷ luật cán bộ công chức có sai phạm, các nội dung hoàn trả tiền lại cho dân, thu hồi đất và tài sản trên đất vẫn chưa được thực hiện.
Các đơn vị mới hoàn trả 60/162 triệu đồng cho hai hộ dân mua thanh lý các tài sản trên. Các hộ còn lại từ chối nhận tiền, không thống nhất trả lại đất. Với lý do đưa ra là số tiền bỏ ra tại thời điểm mua là rất lớn ảnh hưởng đến lợi ích của gia đình.
16 cán bộ công chức để xảy ra sai phạm đã bị kỷ luật, nhiều người đã nghỉ hưu theo chế độ, hoặc đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của huyện Quế Sơn. Trong đó, ông Phạm Đình Bảy là nguyên Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp nay là Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Sơn.
Không thống nhất trả lại tài sản
Vợ chồng ông Võ Văn Lý mua cơ sở Trường mẫu giáo Nghi Hạ vào năm 2010. Ảnh: TN
Ông Võ Văn Lý (ngụ xã Quế Hiệp) - người mua cơ sở Trường mẫu giáo Nghi Hạ cho hay, năm 2010 xã Quế Hiệp thông báo thanh lý tài sản công khai. Gia đình ông mua tài sản, làm hợp đồng, nộp tiền đẩy đủ và nhận sổ đỏ, nhưng chưa sang tên như thoả thuận.
“Năm 2010 vợ chồng tôi mua giá 30 triệu, sau 14 năm mà nói trả lại tôi 30 triệu sao chấp nhận được?. Tôi đề nghị cấp đất khác cho tôi, gia đình chấp nhận chịu thiệt nhưng cũng không được giải quyết. Chỉ khi nào đổi đất khác thì tôi trả sổ đỏ, còn nhận 30 triệu thì tôi không chấp nhận”, ông Lý nói.
Còn bà Nguyễn Thị Nhàn (vợ ông Lý) cho hay, gia đình sau khi mua tài sản đã đầu tư san ủi mặt bằng, cải tạo sửa chữa tài sản trên đất. Thời điểm đó số tiền 30 triệu đồng rất lớn, chưa kể tiền đầu tư sau khi mua.
Theo bà, nếu nhận 30 triệu để trả sổ đỏ đã mua thì ‘coi như mất trắng’ nên gia đình không đồng ý. “Chính quyền làm sai thì phải chịu. Tôi là người dân, mua bán công khai mà sao phải bắt tôi chịu”, bà Nhàn bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Nhàn không đồng ý trả lại tài sản đã mua do bị ảnh hưởng quyền lợi. Ảnh: TN
Để khắc phục các sai phạm, huyện Quế Sơn đã ban hành các quyết định thu hồi tài sản đã bán thanh lý. Dù vậy, việc thu hồi chỉ… “nằm trên giấy” vì các hộ dân chưa bàn giao tài sản.
Theo UBND huyện Quế Sơn, qua nhiều lần làm việc, vận động của UBND xã Quế Hiệp, Quế Thuận, Quế Phú, chỉ có hai hộ dân chịu nhận lại tiền. Tuy nhiên, trên thửa đất này hai hộ đã xây dựng nhà kiên cố.
Thực tế, tài sản trên đất hiện là tài sản của người dân đang sử dụng ổn định. Các hộ dân không thống nhất, phối hợp để thực hiện xử lý tài sản trên đất nên không thể lập phương án xử lý tài sản trên đất và đấu giá quyền sử dụng đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trong báo cáo, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn Nguyễn Phước Sơn, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra xuất phát từ nguyên nhân sai phạm do lỗi của chính quyền cấp xã.
Cơ sở Trường Mẫu giáo thôn Phong Phú, xã Quế Thuận đã được người dân đầu tư, xây dựng mới. Ảnh: TN
“Nhằm đảm bảo lợi ích của người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị địa phương, tránh gây ra điểm nóng và giải quyết dứt điểm vụ việc. UBND huyện Quế Sơn kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thống nhất cho chủ trương xử lý: xây dựng phương án giao đất không thông qua đấu giá có thu tiền sử dụng đất theo quy định”, huyện Quế Sơn đề nghị.
Chi sai 5,3 tỉ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, hơn sáu năm nay, UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vẫn chưa thu hồi được.
Nguồn: [Link nguồn]