Bàn tay sắt chuyên “bắt hổ” của Trung Quốc

Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc khó có thể thành công nếu không có một bàn tay sắt đầy cứng rắn.

Con hổ lớn Chu Vĩnh Khang cuối cùng cũng đã sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ nhất từ trước tới nay của Trung Quốc. Để bắt được con hổ có quyền lực và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải dựa vào một nhân vật được mệnh danh là “bàn tay sắt”, đó chính là Phó Thủ tướng kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn.

Trong khi hầu hết các quan chức khác của Trung Quốc leo lên nấc thang quyền lực bằng những bước đi vô cùng thận trọng, Vương Kỳ Sơn lại là một chính khách nổi tiếng qua những cuộc khủng hoảng. Hồi cuối thập niên 1990, ông đã dẫn dắt cả tỉnh Quảng Đông vượt qua một thảm họa nợ nần khủng khiếp.

Bàn tay sắt chuyên “bắt hổ” của Trung Quốc - 1

Vương Kỳ Sơn được mệnh danh là "bàn tay sắt" của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Trên cương vị là giám đốc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc giữa thập niên 1990, ông đã tạo ra ngân hàng đầu tư thực sự đầu tiên ở Trung Quốc khi liên doanh với Morgan Stanley, và đến cuối thập niên này, ông đã cứu cả tỉnh Quảng Đông khỏi phá sản bởi khoản nợ lên tới 4 tỉ USD.

Đến năm 2003, khi thị trưởng Bắc Kinh bị cách chức vì bị cáo buộc che dấu sự bùng phát của đại dịch SARS, chính Vương là người đã nhảy vào giải quyết khủng hoảng. Sau đó, ông được phụ trách Olympic 2008 ở Bắc Kinh, rồi lại tiếp tục đương đầu với những thử thách trong lĩnh vực tài chính.

Hơn mười năm sau, Vương Kỳ Sơn bước vào một cuộc chiến mới, và với vai trò là “ông trùm” chống tham nhũng của Trung Quốc, ông đã phải huy động hết tất cả quyết tâm mình có để đối đầu với những đối thủ tưởng chừng như bất khả chiến bại.

Năm 2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông lập tức đưa người bạn nối khố Vương Kỳ Sơn lên chiếc ghế cao nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và kể từ đây các cuộc điều tra của cơ quan này ngày càng tăng cả về lượng lẫn về chất. Ông lập thêm 4 phòng điều tra, nâng tổng số phòng điều tra của ủy ban này lên 12, đồng thời điều chuyển nhiều nhân sự bàn giấy sang hỗ trợ điều tra.

Các chuyên gia phân tích cho rằng Vương Kỳ Sơn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Tập Cận Bình. Một nhà ngoại giao phương Tây từng tiếp xúc với cả hai nhân vật trên nói: “Giữa ông Vương và ông Tập có một sự tín nhiệm nhau đến cao độ. Đó là mối quan hệ cộng tác vô cùng chặt chẽ”.

Mối quan hệ keo sơn giữa hai nhân vật này được hình thành từ những năm 1970, khi cả hai người cùng bao thanh niên thành thị khác bị đưa về các trại cải tạo ở nông thôn để tẩy sạch tư tưởng “tư sản”. Cả hai đều cùng trải qua những tháng ngày gian khó ở gần thành phố Diên An, và trong một cuộc phỏng vấn năm 2001, ông Tập kể rằng hai người đã từng đắp chung chăn.

Bàn tay sắt chuyên “bắt hổ” của Trung Quốc - 2

Ông Vương Kỳ Sơn trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama

Hồi tháng trước, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Vương Kỳ Sơn chính thức mở cuộc điều tra đối với Chu Vĩnh Khang, cựu trùm lực lượng an ninh mật của Trung Quốc và là quan chức cấp cao nhất của nước này bị truy tố công khai với tội danh tham nhũng kể từ năm 1949 đến nay.

Về mặt thứ bậc, ông Vương Kỳ Sơn được xếp vào vị trí thứ 6 trong Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên của Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên trong hơn 18 tháng qua, với chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được phát động rầm rộ mà đối tượng nhắm đến là gần 250.000 đảng viên, trong đó có 39 vị giữ vị trí thứ trưởng trở lên, quyền lực của ông Vương tăng lên vùn vụt và gần như chỉ đứng sau mỗi Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chống tham nhũng đã trở thành chính sách trung tâm của Trung Quốc kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, và thời gian và độ quyết liệt của chiến dịch chống tham nhũng đã khiến tất cả mọi người ngạc nhiên và những mục tiêu đang bị nhắm tới run sợ.

Hàng chục ngàn đảng viên, quan chức trên khắp cả nước bị điều tra trong gần như tất cả các lĩnh vực, từ tài chính, dầu khí cho tới sản xuất thực phẩm, tuy nhiên trọng tâm của nó vẫn là lĩnh vực dầu khí, nơi Chu Vĩnh Khang từng một thời “tác oai tác quái” bằng quyền lực và ảnh hưởng của mình.

Bàn tay sắt chuyên “bắt hổ” của Trung Quốc - 3

Quyền lực của Vương Kỳ Sơn ngày càng tăng trong chiến dịch chống tham nhũng

Chiến dịch chống tham nhũng do Vương Kỳ Sơn thực hiện được tiến hành quyết liệt đến mức một loạt nhãn hiệu hàng xa xỉ ở Trung Quốc như các hãng đồng hồ Thụy Sĩ, rượu tây Remy Cointreau và Diageo ở Trung Quốc đều lâm vào tình trạng ế ẩm nghiêm trọng vì giờ đây các quan chức không dám chấp nhận những món quà biếu đắt tiền nữa.

Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, tình trạng quan chức cấp cao bị bắt nhiều đến mức họ đã phải thiết lập một hệ thống điểm danh đặc biệt, trong đó yêu cầu các quan chức của tập đoàn phải “trình diện” với trưởng phòng trị sự mỗi ngày để đảm bảo rằng quan chức đó chưa bị bắt.

Nếu bất cứ quan chức nào không đến điểm danh và không thể liên lạc được, họ sẽ bị coi là đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật bắt giữ và sẽ bị thay thế ngay trong ngày hôm sau bằng nhân vật số 2 đã được chỉ định từ trước.

Hệ thống điểm danh đặc biệt này đã phản ánh mức độ quyền lực khủng khiếp của Ủy ban kiểm tra, một cơ quan bí mật gần như đứng ngoài luật pháp và hệ thống tư pháp, có thể triệu tập, điều tra và giữ người vô thời hạn đối với bất cứ ai trong số hơn 70 triệu đảng viên Trung Quốc.

Tuy nhiên, trước khi ông Vương lên nắm quyền, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được biết đến như một cơ quan tham nhũng nhất Trung Quốc, nơi các điều tra viên thường xuyên nhận hối lộ để bẻ cong kết quả điều tra, biến họ thành những công cụ để các quan chức đấu đá lẫn nhau.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi dưới sự quyết liệt của Vương Kỳ Sơn. Những người từng làm việc với người đàn ông 65 tuổi Vương Kỳ Sơn cho biết ông này đã khơi dậy cảm hứng làm việc cho nhân viên bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông hối thúc các cố vấn đọc cuốn “Chế độ cũ và cuộc cách mạng Pháp” của Alexis de Tocquevile, một cuốn sách kinh điển về sự xa hoa vô độ của giới quý tộc Pháp cũng như sự sụp đổ của nó.

Bàn tay sắt chuyên “bắt hổ” của Trung Quốc - 4

Một quan tham Trung Quốc phải ra hầu tòa trong chiến dịch chống tham nhũng

Vương Kỳ Sơn cũng giám sát rất chặt chẽ các nhân viên ngay trong cơ quan của mình và cho thành lập một phòng điều tra nội bộ để kịp thời phanh phui các vụ tiêu cực, đồng thời ra lệnh cho toàn bộ nhân viên không được phép nhận quà biếu xén. Châm ngôn mà ông này thường nói với nhân viên là: “Để rèn được sắt, anh phải là người vững vàng”.

Khi được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương năm 2012, Vương Kỳ Sơn đã nói đùa rằng ông ngồi được vào chiếc ghế này vì ông không có con, bởi rất nhiều “quý tử” của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lại chính là khởi nguồn cho nạn tham nhũng của bố mẹ mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thì cho rằng ông Vương được giao phó trọng trách trên bởi ông không hề ngả về bát cứ phe phái nào, mặc dù ông có quan hệ gần gũi với các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Bố vợ của ông, Phó thủ tướng Diêu Y Lâm, là một trong những người từng ra lệnh cho xe tăng tiến vào quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và tính “nguyên tắc” của ông này đã tạo điều kiện cho Vương Kỳ Sơn thăng tiến.

Tuy nhiên chính năng lực và thói bộc trực của ông mới là thứ gây ấn tượng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong thập niên 1990, và từ đó ông nổi tiếng với danh hiệu “bàn tay sắt” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

________________________

Chiến dịch chống tham nhũng do “bàn tay sắt” Vương Kỳ Sơn chỉ đạo đã “đả hổ, bắt ruồi” như thế nào? Mời các bạn đón đọc kỳ 3 vào 15h00 ngày 17/8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN