Ban Nội chính T.Ư xử án "dính" cán bộ cấp cao

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vừa ký quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Ban với nhiều quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Chỉ đạo các vụ án nghiêm trọng, phức tạp

Theo quyết định, Ban Nội chính Trung ương sẽ có Vụ Theo dõi xử lý các vụ án (Vụ 1). Vụ 1 có chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Ban Nội chính theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp; các vụ việc, vụ án có liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các vụ việc, vụ án khác mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Nhiệm vụ cụ thể của Vụ 1 là chủ trì tham mưu để lãnh đạo Ban Nội chính giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Thường trực Ban Chỉ đạo, yêu cầu Ban Cán sự Đảng các cơ quan: Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan; cấp ủy, tổ chức đảng và người có thẩm quyền báo cáo việc xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ban Nội chính T.Ư xử án "dính" cán bộ cấp cao - 1

Ông Nguyễn Bá Thanh khi còn là Bí thư Đà Nẵng.

Yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền điều tra làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; chỉ đạo việc phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại khi cần thiết...

Kiến nghị tạm đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu tham nhũng

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của Vụ 1 là chủ trì tham mưu để lãnh đạo Ban Nội chính giúp Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác, sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy theo phân cấp quản lý khi cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Nghiên cứu, đề xuất giúp lãnh đạo Ban theo dõi, kiểm tra, đôn đốc hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao và những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có vướng mắc ở địa phương. Nghiên cứu, đề xuất giúp lãnh đạo Ban xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án...

Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương còn có các đơn vị như: Vụ Pháp luật (Vụ 2), Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Vụ 3), Vụ Cơ quan nội chính (Vụ 4), Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng (Vụ 5)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN