Bán khăn Trung Quốc gắn mác hàng Việt, Khaisilk đối mặt mức phạt nào?
Các luật sư đưa ra ý kiến nhận định các trường hợp pháp lý Khaisilk sẽ phải đối mặt nếu bị xác định mua khăn “Made in China” gắn mác hàng Việt bán cho khách.
Cơ quan chức năng xác minh thông tin Khaisilk thay đổi nhãn mác khăn lụa từ "Made in China" sang "Khaisilk made in Vietnam".
Sản phẩm giả mạo về nguồn gốc là hàng giả
Vừa qua, một người tiêu dùng phản ánh, một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác "KHAISILK – Made in Việt Nam" vừa có mác "Made in China". Ngoài ra, khách hàng còn phát hiện nhiều chiếc khăn khác của Khaisilk có dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.
Sau khi báo chí phản ánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường kiểm tra vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk.
Liên quan tới sự việc trên nhiều bạn đọc thắc mắc, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định Khaisilk có hành vi mua khăn có xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn nhãn mác “Made in Việt Nam” thì xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) và luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật INTECO) cho biết, nếu Khaisilk có hành vi nhập khăn có xuất xứ Trung Quốc về sau đó gắn nhãn mác “Made in Việt Nam” để bán ra thị trường thì sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả.
“Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ) nêu ra một số đặc điểm để nhận diện hàng giả, trong đó có nêu rõ hàng giả là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Như vậy, nếu Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc về rồi cắt mác “made in China” đi sau đó gắn mác Khaisilk với chỉ dẫn nguồn gốc là “made in Việt Nam” thì sản phẩm này sẽ bị coi hàng giả bởi nó đã bị giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Hà Huy Phong cho biết, các doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng tới 30 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa.
Các luật sư cũng cho biết, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự nếu Khaisilk có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.
“Người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 15 năm”, luật sư Tuấn Anh cho biết.
Khi PV đặt câu hỏi, nếu Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc với giá rẻ sau đó thay đổi nhãn mác thành sản phẩm thương hiệu Việt Nam và bán với giá cao gấp nhiều lần thì có vi phạm quy định về thuế không? Luật sư Tuấn Anh cho biết, nếu Khaisilk mua bán sản phẩm doanh nghiệp có hạch toán giá cả, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định pháp luật thì không vi phạm. Tuy nhiên, nếu có gian lận giá mua vào, bán ra sản phẩm, làm sai lệch kế toán dẫn đến hành vi gian lận thuế, trốn thuế thì sẽ bị truy thu thế theo quy định pháp luật.
Khách hàng khó đòi quyền lợi?
Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, nếu việc Khaisilk mua sản phẩm Trung Quốc gắn mác “made in Viet Nam” là có thật thì đây là sự lừa dối khách hàng rất nghiêm trọng bởi Khaisilk là một trong những thương hiệu có tên tuổi trong ngành tơ lụa Việt Nam và được quốc tế biết đến.
Luật sư Phong cho biết, theo quy định, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường, trong đó thông tin về nguồn gốc xuất xứ là yêu cầu bắt buộc.
“Cùng một dòng sản phẩm nhưng khách hàng chọn sản phẩm có chữ “Made in Việt Nam” thay vì sản phẩm có chữ “Made in China” vì họ nghĩ rằng, sản phẩm của Việt sản xuất sẽ tốt hơn, cũng có thể họ chọn hàng “Made in Việt Nam” để ủng hộ doanh nghiệp Việt.
Vì vậy, nếu vì lợi nhuận doanh nghiệp mua loại sản phẩm khách hàng vốn đã không mốn sử dụng về rồi gắn mác mình tự sản xuất để bán là điều không thể chấp nhận được”, luật sư Phong nói.
Về việc Chủ tịch tập đoàn Khaisilk cam kết sẽ bồi thường cho khách hàng nếu có mong muốn, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, việc chủ doanh nghiệp xin lỗi và hứa hẹn bồi thường có thể ghi nhận. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi trường hợp khách hàng đã mua phải sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc từ Khaisilk đã lâu nay sản phẩm đã hư hỏng, hoặc đã mất có được bồi thường không?
“Nhiều khách hàng chọn mua sản phẩm của Khaisilk vì nghĩ rằng đây là sản phẩm của Việt Nam sản xuất, là sản phẩm thương hiệu lớn, thích hợp để làm quà tặng bạn bè, đối tác. Nhưng giờ họ tá hỏa phát hiện, sản phẩm họ sử dụng hoặc mang tặng khách hàng hóa ra là sản phẩm của Trung Quốc.
Khách hàng lo lắng vì không biết chất lượng sản phẩm ra sao, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không nhưng sản phẩm sử dụng đã lâu nên họ khó mà kiểm tra được chất lượng sản phẩm và chứng minh được thiệt hại để được bồi thường”, luật sư Tuấn Anh nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương khẳng định, sẽ làm rõ dấu hiệu bán hàng giả của Khaisilk...