Bản đồ mới của TQ "gom" nguyên một bang của Ấn Độ
Bản đồ đường 10 đoạn của Trung Quốc ôm luôn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Tại Philippines ngày 28/6, hãng tin GMA News đưa tin người phát ngôn tổng thống Philippines Edwin Lacierda hoan nghênh Đại sứ Mỹ tại Philippines Richard Goldberg đã lên tiếng chỉ trích đường 10 đoạn trong bản đồ mới của Trung Quốc (TQ). Người phát ngôn nhận định TQ có thêm một đoạn nữa vào đường chín đoạn (đường lưỡi bò) thì cũng không tăng thêm tính pháp lý nào cho tuyên bố chủ quyền.
Cùng ngày, trang tin Rappler cho biết trong thư điện tử gửi đến trang tin này hôm 27/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Charles Jose khẳng định bản đồ mới của TQ không ảnh hưởng gì đến vụ Philippines kiện đường chín đoạn của TQ ra tòa án trọng tài quốc tế.
Trả lời trang tin Rappler, chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển (ĐH Philippines), nhận định bản đồ với đường 10 đoạn của TQ không có giá trị về mặt pháp lý.
Theo ông, bản đồ là công cụ của TQ, TQ được xem là quốc gia bành trướng và nhiều tham vọng không chỉ vì vẽ các bản đồ bao chiếm gần hết biển Đông mà vì những gì TQ đã làm trên biển Đông.
Khi được hỏi liệu đường 10 đoạn có phải thay thế đường 9 đoạn trước nay TQ vẫn tuyên bố hay không, chuyên gia Jay Batongbacal nhận định nếu đứng về phía công bố bản đồ (TQ) thì đúng như vậy. Tuy nhiên, xét về pháp lý thì bản đồ quốc tế đang xem xét là bản đồ đường chín đoạn TQ đã thông báo với LHQ năm 2009. Hiện thời TQ vẫn chưa chính thức thông báo đường 10 đoạn này với quốc tế.
TQ được xem là quốc gia bành trướng với những gì đang làm ở biển Đông. Trong ảnh: Tàu kéo TQ cố tình đâm tàu kiểm ngư Việt Nam hôm 23/6. Ảnh: AFP/CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Báo Washington Post (Mỹ) ngày 27/6 đã chỉ trích bản đồ mới của TQ đã đi quá mức ngạc nhiên của các nước láng giềng bởi bao chiếm luôn Đài Loan, hai quần đảo chính ở biển Đông là Trường Sa và Hoàng Sa và vẽ luôn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ là của TQ.
Báo nhận định tăng trưởng kinh tế đã khiến TQ ngày càng có hành động quyết đoán hơn; hành vi mở rộng hải quân của TQ không chỉ gây lo ngại cho các nước láng giềng, thách thức vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương mà còn khơi mào chạy đua vũ trang ở châu Á.
Báo khẳng định đây là nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố xung đột nguy hiểm, nổi bật là va chạm hàng hải thường xuyên gần đây giữa TQ với Việt Nam, Philippines và Nhật.
Cùng ngày, kênh truyền hình ABC News (Mỹ) nhận định TQ đã làm rối đường hướng ngoại giao trong khu vực khi công bố bản đồ mới với đường 10 đoạn.
GS Lee Yunglung ở Học viện Biển Đông thuộc ĐH Hạ Môn (TQ) cho rằng chính phủ trung ương TQ để cho nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam xuất bản bản đồ mới nhằm thử phản ứng của các nước trong khu vực và chỉ ra mặt điều chỉnh khi cần thiết để giảm nhẹ hậu quả có thể xảy ra.
Ông nhận định với diễn biến trên biển Đông, chính phủ TQ thừa biết nếu chính phủ trực tiếp xuất bản bản đồ thì có thể sẽ gây ra xung đột. Ông cho rằng TQ muốn thông qua bản đồ mới để nâng tầm vấn đề tranh chấp ở biển Đông lên ngang tầm với tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Trong khi đó báo Philstar (Philippines) cho biết ngày 27/6, trên mạng xã hội Facebook ở Philippines đã xuất hiện một bản đồ mang tính giả định mang tên “Bản đồ lãnh thổ Philippines mới” nhằm châm biếm TQ.
Phía trên bản đồ có dòng chữ “Vâng, Trung Quốc, chúng tôi cũng có thể vẽ bản đồ của chính mình!”. Bản đồ gom hết TQ, Mông Cổ, đặc khu Hong Kong vào Philippines. Biển Đông được sửa tên thành “đặc khu tài nguyên Tây Philippines”. Hong Kong bị đổi thành “đặc khu thương mại”. Thủ đô Bắc Kinh được gọi là “TP thủ đô” với cái tên mới là “Rizal”.