Bản đồ "đường 10 đoạn" bị dân TQ "ném đá"
Nhiều người TQ tỏ ra bất bình khi nước này xuất bản tấm bản đồ mới thể hiện đường 10 đoạn phi lý.
Ngày 25/6, truyền thông Trung Quốc loan tin nước này vừa công bố tấm bản đồ khổ dọc mới thể hiện yêu sách chủ quyền (phi lý – PV) của mình trên Biển Đông với việc thể hiện “đường mười đoạn” bao trùm gần như toàn bộ vùng biển này thay cho “đường chín đoạn” trước đây.
Những bản đồ trước đây do Trung Quốc xuất bản thường là bản đồ khổ ngang, và đường chín đoạn được thể hiện trong một khung nhỏ bên dưới bản đồ. Còn tấm bản đồ mới này thể hiện toàn bộ khu vực Biển Đông và “đường mười đoạn” mà Trung Quốc cho là đường biên giới trên biển của mình.
Đường mười đoạn phi lý (đã bị gạch chéo) trong tấm bản đồ mới xuất bản của Trung Quốc
Trong tấm bản đồ mới, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, với việc tô đậm “đường 10 đoạn” lấn sát các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, đồng thời nuốt gần trọn biển Đông - kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough của Philippines. Nhờ "đường lưỡi bò" này mà chiều dài Trung Quốc giãn ra tới 5.500 km trong khi chiều rộng là 5.200 km.
Một quan chức ngành đồ bản của Trung Quốc tuyên bố rằng “tấm bản đồ khổ dọc này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân” về những đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, việc chính phủ Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ khổ dọc cỡ lớn này đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế và ngay cả người dân trong nước.
Trên mạng xã hội Weibo vốn rất phổ biến ở Trung Quốc, nhiều thành viên đã bày tỏ sự bất bình với chính phủ trong việc xuất bản tấm bản đồ có “đường mười đoạn” không tuân thủ bất cứ quy định nào của luật pháp quốc tế.
Một thành viên cho rằng việc Trung Quốc thay đổi bản đồ kiểu này là không cần thiết và lãng phí, bởi nó không hề có giá trị pháp lý gì khi nói đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, bởi ngay cả chính bản thân Trung Quốc đến giờ vẫn còn rất mơ hồ với bản chất của “đường mười đoạn” này.
Trong khi đó, chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge ở Bắc Kinh thì chế giễu: “Nếu cứ làm theo kiểu này của Trung Quốc, khi Mỹ muốn Hawaii và Guam, rồi Anh và Pháp muốn nuốt trọn các lãnh thổ trên biển, họ chỉ cần trưng ra một tấm bản đồ thế giới.”
Chuyên gia này cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với mưu đồ thực sự của Trung Quốc đằng sau động thái xuất bản tấm bản đồ khổ dọc mới: “Việc gom hết những quần đảo trên Biển Đông vào lãnh thổ của mình có ích lợi gì không? Nó chẳng có lợi ích gì cả ngoài việc thể hiện một tham vọng rõ ràng.”
Tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc bị chính người dân trong nước phản đối
Ông này giải thích thêm: “Điều mà Cục Bản đồ Hồ Nam làm khi xuất bản tấm bản đồ này chỉ là thể hiện giọng điệu của những kẻ cực tả được cổ xúy bởi chủ nghĩa dân tộc mù quáng.”
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cố tình tìm cách lấp liếm, che đậy mục đích thật sự của việc xuất bản tấm bản đồ khổ dọc này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Việc một số cơ quan bản đồ ở các tỉnh xuất bản phiên bản bản đồ mới của Trung Quốc chỉ với mục đích là phục vụ công chúng. Trung Quốc không đời nào thay đổi lập trường trên Biển Đông.”
Việc Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ này cũng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của Philippines. Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố tấm bản đồ chính thức mới của Trung Quốc là “sự bành trướng phi lý” khi vơ cả vùng biển của nước khác vào lãnh thổ của mình, trái ngược với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh: “Đây chính xác là một biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng đầy tham vọng gây ra căng thẳng trên Biển Đông.”
Cách đây 2 tuần, thẩm phán Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã thực hiện những “lời dối trá lịch sử” khi làm giả những tấm bản đồ cổ để minh chứng cho tuyên bố chủ quyền trên biển của mình, bởi rất nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bản đồ từ thời nhà Minh của Trung Quốc không hề có những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.