Bán đảo Triều Tiên "bên miệng hố chiến tranh"?

Sóng ngầm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bất ngờ cuộn trào sau vụ đấu pháo dữ dội giữa hai miền Triều, Hàn gần đây. Tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu trong khi Seoul tuyên bố sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ mọi động thái khiêu khích...

"Căng thẳng ở mức cực hạn"

Sóng ngầm căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc thực tế đã bắt đầu nổi lên từ trước vụ đấu pháo dữ dội giữa hai bên ở biên giới đất liền phía tây, khi hai binh sĩ Hàn Quốc bị trọng thương vì trúng mìn tại Khu phi quân sự vào ngày 4.8.

Báo cáo điều tra của Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu kết luận, Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho vụ nổ mìn. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc và từ chối xin lỗi…

Để trả đũa, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, Seoul tái khởi động lại chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới Triều - Hàn kể từ tuần trước, chọc giận Bình Nhưỡng.

Đến ngày 20.8, chỉ vài giờ sau vụ đấu pháo tại biên giới phía tây, nhà lãnh đạo kiêm chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên, Kim Jong-un ra lệnh cho các đơn vị quân đội tiền tuyến đồn trú dọc biên giới Triều - Hàn sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu...

Bán đảo Triều Tiên "bên miệng hố chiến tranh"? - 1

Quân đội Triều Tiên nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu.

Đồng thời, ông Kim Jong-un mạnh mẽ ra tối hậu thư cảnh báo, hoặc Seoul chấm dứt chương trình tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới - với hạn chót là vào tối thứ Bảy (22.8) - hoặc sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh.

Trả lời báo giới tại Bắc Kinh ngày 21.8, Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae Ryong tuyên bố: "Đất nước đang nhích gần hơn tới bờ vực chiến tranh" và cáo buộc Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm cho tình hình căng thẳng hiện nay. Ngược lại, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo tuyên bố, Triều Tiên đã đẩy căng thẳng "đến mức cực hạn".

"Nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích, quân đội của chúng tôi - như tôi đã cảnh báo - sẽ đáp trả tương xứng, buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt những hành vi như vậy", ông Han Min-koo nhấn mạnh. 

Khả năng xung đột quân sự

Theo bà Alison Evans, chuyên gia của công ty phân tích rủi ro IHS Country Risk, vụ đấu pháo hôm 20.8 trên biên giới đất liền phía tây giữa hai miền Triều Tiên là bất thường bởi loại vũ khí mà hai bên sử dụng.

"Dọc Đường giới hạn phía Bắc (NLL), biên giới hàng hải tranh chấp của Triều Tiên và Hàn Quốc, thường xuyên xảy ra các vụ bắn pháo và rocket. Tuy nhiên, các vụ đụng độ lẻ tẻ xuyên biên giới đất liền chủ yếu sử dụng vũ khí loại nhỏ (cầm tay được như súng lục, súng trường, súng máy...). Chẳng hạn, vụ đụng độ hồi tháng 10.2014, vũ khí được sử dụng là súng máy hạng nặng chống máy bay", bà Alison Evans bình luận.

Bán đảo Triều Tiên "bên miệng hố chiến tranh"? - 2

Binh sĩ Triều Tiên (trái) nhìn về phía binh sĩ Hàn Quốc (phải) ở khu phi quân sự Bàn Môn Điếm.

Câu hỏi đặt ra là, liệu căng thẳng hiện nay có khả năng leo thang thành xung đột quân sự?

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị đẩy lên mức nguy hiểm trong những năm gần đây. Năm 2010, quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đấu pháo dữ dội tại biên giới biển tranh chấp của hai nước. Sau đó, vào tháng 10 cùng năm đó, hai bên tiếp tục nổ súng máy qua lại tại biên giới trên đất liền.  

Triều Tiên cũng có truyền thống sử dụng những lời lẽ hiếu chiến, mang tính cảnh báo mạnh mẽ tương tự trong nhiều giai đoạn căng thẳng trước đây. Hồi năm 2013, nước này tuyên bố "bước vào tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc và liên tục đe dọa tấn công Mỹ, Hàn, Nhật.

Tình huống năm 2013 cuối cùng không dẫn tới đụng độ quân sự, dù Triều Tiên đã đóng cửa tạm thời khu công nghiệp chung Kaesong - vốn được xem là biểu tượng hòa bình, hợp tác cuối cùng của hai miền Triều, Hàn.

Hồi đầu năm nay, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng từng "dậy sóng" bởi cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã bắn 2 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía Đông của nước này (biển Nhật Bản) nhằm thể hiện sự phản đối của họ đối với cuộc tập trận. Lãnh đạo Kim Jong-un sau đó cũng ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu... Song tất cả chỉ dừng lại ở đó. 

Bán đảo Triều Tiên "bên miệng hố chiến tranh"? - 3

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu trong những  thời điểm căng thẳng với Hàn Quốc

Ông Jamie Metzl, một chuyên gia châu Á của Hội đồng Đại Tây Dương ở New York bình luận, bản thân ông cho rằng, căng thẳng hiện tại không có khả năng leo thang xa hơn nữa.

Theo ông Jamie, giới lãnh đạo Bình Nhưỡng đều hiểu rằng, họ sẽ được lợi nhiều hơn từ một "cuộc xung đột đe dọa" hơn là một cuộc chiến thực sự. Bình Nhưỡng có thể đang cố "khuấy căng thẳng để gây chú ý đối với cộng đồng quốc tế và muốn mặc cả thứ gì đó theo sau một cuộc khủng hoảng mini".

Ông KJ Kwon, một nhà sản xuất chương trình của hãng tin CNN tại Seoul cho hay, các chuyên gia phân tích ở Hàn Quốc cũng đồng tình rằng, Triều Tiên không có khả năng đẩy căng thẳng hiện tại đi xa hơn, đến mức dẫn đến xung đột quân sự. Bình Nhưỡng có khả năng huy động một số lượng lớn binh sĩ áp sát biên giới, sau đó rút lui, và tất cả chỉ là hành vi khiêu khích.

"Triều Tiên đặc biệt nhạy cảm với chương trình tuyên truyền của Hàn Quốc. Họ thậm chí còn bắn rơi những quả bóng bay mang theo truyền đơn mà các nhà hoạt động Hàn Quốc thả dọc biên giới. Phản ứng của Bình Nhưỡng luôn được tính toán cẩn trọng để truyền đạt thông điệp cụ thể nào đó. Và thông điệp đó không phải luôn nhắm vào những kẻ thù bên ngoài của họ", ông Kwon giải thích và nói thêm rằng, Bình Nhưỡng thổi phồng các mối đe dọa từ Mỹ hay Hàn Quốc là nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền, củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (theo CNN, Reuters) ([Tên nguồn])
Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN