Bán “cụ” sưa 26 tỷ: Nhiều gia đình đổi đời nhờ “báu vật” của làng

Sự kiện: Thời sự Bắc Ninh

Theo lãnh đạo xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh), có gia đình nhận được 150 triệu đồng tiền hỗ trợ từ việc bán cây gỗ sưa.

Bán “cụ” sưa 26 tỷ: Nhiều gia đình đổi đời nhờ “báu vật” của làng - 1

Cây gỗ sưa ở đình làng Đông Cốc, tỉnh Bắc Ninh được bán với giá 26 tỷ đồng.

Ngày 30/3, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngày 25/3, cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc đã được chặt hạ và chuyển giao xong cho ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) với mức giá là 26 tỷ đồng.

Theo ông Hiến, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017, công ty đấu giá đã chuyển 15,5 tỷ đồng và sau Tết chuyển thêm 500 triệu đồng, tổng cộng là 16 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chia cho từng nhân khẩu trong thôn Đông Cốc.

“Có khoảng 1.700 nhân khẩu trong thôn Đông Cốc nhận được tiền hỗ trợ từ bán cây gỗ sưa ở đình làng Đông Cốc. Mỗi khẩu được hỗ trợ 10 triệu đồng, con gái lấy chồng 5 triệu đồng/người (hết khoảng gần 17 tỷ). Số tiền còn lại (9 tỷ đồng) dùng để tu bổ đình làng, xây dựng quê hương”, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn thông tin.

Ông Hiến cho biết, gia đình nhận được nhiều tiền hỗ trợ nhất là gia đình ông Điều với số tiền 150 triệu đồng. Được biết gia đình ông Điều có 15 nhân khẩu (bao gồm con, cháu).

“Các con của ông Điều lập gia đình rồi nhưng đều sống chung nhà với ông Điều. Ông Điều đã dùng số tiền nhận được để tu sửa lại ngôi nhà, đồng thời đầu tư phát triển kinh tế nuôi cá, gà”, ông Hiến nói.

Ông Hiến cho biết thêm, có khoảng 20-30 gia đình trong thôn Đông Cốc nhận được số tiền từ 70-80 triệu đồng (vì có khoảng 7-8 nhân khẩu được nhận hỗ trợ). Còn lại phần lớn là mỗi gia đình nhận được hỗ trợ từ 40-50 triệu đồng.

Chủ tịch xã Hà Mãn cho hay, đời sống người dân thôn Đông Cốc đã thay đổi khi nhận được tiền hỗ trợ. Nhiều người lấy số tiền này để đầu tư trang trại V-A-C. Một số hộ sắm sửa vật dụng trong gia đình, lên nhà tầng.

“Tôi cũng là người dân ở thôn Đông Cốc. Gia đình tôi có 4 nhân khẩu nên cũng nhận được tiền hỗ trợ là 40 triệu đồng”, ông Hiến nói thêm.

Ông Hiến cũng cho hay, trước Tết Nguyên đán, toàn bộ người dân trong thôn Đông Cốc đều đã nhận được tiền hỗ trợ từ bán cây gỗ sưa. Hiện tại, số tiền còn lại được gửi ở ngân hàng do Ban cộng đồng dân cư do người dân bầu lên đứng tên. Khi chuyển tiền, người dân đều nhận được một tờ phiếu ghi rõ nội dung là nhận tiền hỗ trợ từ bán cây gỗ sưa.

Trước đó, ngày 1/8/2016, tại trụ sở Công ty CP Đấu giá Việt Nam (Hà Nội), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo xã Hà Mãn và huyện Thuận Thành, phiên bán đấu giá cây sưa 200 năm tuổi đã được tổ chức. Giá khởi điểm của cây sưa được đưa ra tại phiên đấu giá này là 23.964.672.000 đồng, không có thuế giá trị gia tăng.

Tại phiên đấu giá, trong lần trả giá thứ 16 ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trả mức giá cao nhất là 24,5 tỷ đồng so với 4 người cùng tham gia. Sau đó, ngày 25.3, ông Hùy đã hỗ trợ thêm cho địa phương 1,5 tỷ đồng, nâng tổng giá trị của cây sưa cho đến khi chặt hạ, bàn giao là 26 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo xã Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh), trước khi cây sưa 200 năm tuổi được bán với giá 26 tỷ đồng, năm 2015, cây sưa có biểu hiện khô cành, héo lá. Do vậy, người dân trong thôn đã họp bàn và quyết định bán cây gỗ sưa để lấy kinh phí tu bổ, trùng tu lại đình Đông Cốc, xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, trong khuôn viên đình làng Đông Cốc còn có một cây sưa khoảng 400 năm tuổi. Cây sưa này có chiều cao hơn 20 mét, đường kính khoảng 1 mét, với nhiều cành tỏa bóng mát khắp sân đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN