Bán cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho nước ngoài: Phí có tăng?

Đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam cho hay, một doanh nghiệp ở Ấn Độ có ý muốn mua lại vốn đầu tư, quyền khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện hai bên đang trong quá trình đám phán để đi đến thống nhất.

Ngay 5.12, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam - thông xe, đưa vào khai thác. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn 47.000 hộ dân ở 4 tỉnh, thành có cao tốc đi qua đã nhường đất để có mặt bằng xây dựng.

Thủ tướng cho biết, vừa qua một doanh nghiệp ở Ấn Độ có ý muốn mua lại vốn đầu tư, quyền khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

“Tôi nói với họ là chủ trương của Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng bán cho họ để lấy tiền đầu tư, làm các con đường khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài phải khai thác, vận hành theo đúng luật pháp của Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Bán cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho nước ngoài: Phí có tăng? - 1

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Đặng Văn Tâm - Phó Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho hay, về mặt chủ trương, đơn vị đã đồng ý bán lại vốn đầu tư, quyền khai thác cho doanh nghiệp Ấn Độ.

“Hiện tại chúng tôi vẫn đang trong quá trình đàm phán với doanh nghiệp Ấn Độ để đi đến thống nhất. Về kinh phí chuyển nhượng hai bên vẫn đang bàn, chưa có con số cụ thể”, ông Tâm thông tin.

Mức phí toàn tuyến cao tốc từ vành đai 3 Hà Nội đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) hiện nay cho mỗi lượt xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 160.000 đồng; cao nhất là 840.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn, xe container. Nhiều người dân lo ngại, khi bán cho doanh nghiệp nước ngoài, mức phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể tăng lên.

Theo ông Tâm, dù công trình được bán vốn cho đối tác nào thì việc vận hành quản lý và thu phí phải tuân theo quy định và pháp luật của Việt Nam. Do vậy, mức phí sẽ giữ nguyên như hiện nay.

“Doanh nghiệp nước ngoài khi tiếp quản cao tốc vẫn phải tuân theo quy định của Việt Nam, mức phí phải được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Họ không thể muốn tăng phí là tăng được”, ông Tâm thông tin.

Ông Tâm cho biết thêm, kể từ khi thông xe đến nay, các phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không gặp sự cố hay ùn tắc giao thông. Hiện tại, có khoảng 14.000 phương tiện/1 ngày lưu thông qua cao tốc này.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (còn gọi là quốc lộ 5B) được khởi công vào năm 2008, là một trong 6 tuyến cao tốc được xây dựng theo quy hoạch tại miền Bắc. Toàn tuyến có chiều dài 105,5km, nối liền từ Thủ đô Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương tới TP.Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Mặt đường rộng từ 32,5 đến 35m, với 6 làn xe chạy. Tốc độ xe chạy tối đa là 120km/h và tốc độ tối thiểu là 60km/h. Tốc độ lưu thông tại các đường nhánh ra, vào đường cao tốc từ 40-50km/h.

Tuyến đường cấm xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe thô sơ, người đi bộ; súc vật... lưu thông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN