Bàn cách mua lại “công viên kinh dị” ở Huế
Công viên này xuống cấp khá nghiêm trọng, bị hoang phế trong khi doanh nghiệp sở hữu không có khả năng đầu tư.
Mới đây, tạp chí Huffington Post (Mỹ) đăng tải một loạt hình ảnh về công viên nước hồ Thủy Tiên tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế và gọi đây là công viên rất kinh dị, không dành cho những người yếu tim. Sự kiện thu hút khá nhiều người quan tâm không những ở Việt Nam mà cả quốc tế.
Công viên hoang phế, xuống cấp
Công viên nước hồ Thủy Tiên tọa lạc ngay đồi Thiên An thơ mộng, chỉ cách TP Huế chưa tới 7 km do Công ty Du lịch Cố đô (Huế) đầu tư với kinh phí khoảng 70 tỉ đồng. Đưa vào sử dụng năm 2004, đến năm 2011, đơn vị này đã bán lại cho Công ty TNHH Haco Huế. Dù được xem là công viên của chốn thần tiên, từng thu hút khá đông giới trẻ ở Huế lên vui chơi, giải trí nhưng hiện rất ít du khách tới. Ngay cả doanh nghiệp quản lý cũng chỉ cử vài bảo vệ túc trực, không có người điều hành.
Các công trình bên trong công viên như thủy cung, phòng chơi thế giới ảo, công viên nước, du thuyền trên hồ, thác trượt, sân khấu nhạc nước, nhà hàng… đều vắng bóng người và xuống cấp nghiêm trọng. Sân khấu nhạc nước vốn được thiết kế với hàng trăm chỗ ngồi thì nay bị bỏ hoang. Tại khu vực có nhiều tác phẩm điêu khắc của trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Festival Huế năm 2004 giờ đây hoang tàn, cỏ mọc um tùm và trở thành nơi chăn bò của dân địa phương.
Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định Công ty Haco đã xác định không còn khả năng đầu tư vào công viên này và trả lại cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 3 phiên họp cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Hương Thủy nhằm thu hồi đất.
Theo ông Định, Công viên hồ Thủy Tiên trước đây do Công ty Du lịch Cố đô là doanh nghiệp nhà nước đầu tư, tại thời điểm đó không có quy định cấp giấy chứng nhận đầu tư nên hiện tỉnh chỉ cần ra quyết định chấm dứt dự án để thu hồi đất và kêu gọi doanh nghiệp khác tiếp tục đầu tư.
“Khi thu hồi đất công viên thì chính quyền phải đền bù tài sản cho doanh nghiệp và hiện công ty này đã thế chấp tài sản công viên tại 3 ngân hàng với khoảng 50-60 tỉ đồng. Chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng, tới đây cho định giá lại tài sản, trên cơ sở đó sẽ đề xuất phương án bồi thường để kêu gọi đầu tư” - ông Định cho biết.
Theo ông Định, giá trị thực tế tại công viên này hiện không đáng kể, các tài sản hầu như không thể sử dụng nên tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ định giá hợp lý. Nếu có nhà đầu tư mới thì sẽ kêu gọi họ đền bù, nếu không tỉnh sẽ chi ngân sách nhưng với số tiền ít.
“Chúng tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc rằng đây là công viên gồm khu vui chơi giải trí và khu dành cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại khu vực dành cho nhà đầu tư, chúng tôi không thiên về dự án bất động sản mà phải sử dụng không gian cho cộng đồng nên nhà đầu tư nhỏ rất khó khăn” - ông Định chia sẻ.