"Bám" mộ người chết mưu sinh ở lưng chừng đồi
Tối ngày dọn dẹp, cải tạo đất, tưới cây, tỉa cành, thắp nhang, cúng lễ trên phần mộ của người không quen biết... đó là công việc hằng ngày của những người phụ nữ "gắn" bó đời mình ở các nghĩa trang.
Có dịp đến nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), chúng tôi được chứng kiến công việc "không giống ai" của những người phụ nữ quanh năm đi khắp những ngọn đồi "dọn nhà" cho người đã khuất mới thấy hết được sự can đảm, cái tâm của họ dù hằng ngày họ "phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" dưới mưa nắng.
Chị Bùi Thị Thêm (32 tuổi, trú tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), người đã gắn bó 5 năm với công việc "dọn nhà" cho người chết, tâm sự: "Không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm cái nghề này, nếu yếu bóng vía chắc không thể làm được. Nhưng vì cuộc sống và cũng xuất phát từ cái tâm của mình, muốn dọn dẹp cho các phần mộ được đẹp hơn".
Công việc "không giống ai" của những người phụ nữ nguyện "gắn" đời mình với hàng nghìn ngôi mộ
Tỉ mỉ lau dọn một phần mộ, chị Thêm cho biết, ban đầu vào đây làm cũng có cảm giác hơi sợ vì không gian vắng vẻ, âm u, nhất là buổi trưa hoặc lúc chiều tối. Mỗi người làm nghề như chị được giao chăm sóc hơn 100 ngôi mộ, làm luôn chân luôn tay cũng không hết việc. Có hôm tăng ca, chị phải ở lại nghĩa trang làm đến 8h tối mới về.
"Mỗi phần mộ tổ tiên của mỗi gia đình lại có cách chăm sóc khác nhau. Trong những ngày rằm, mồng 1 đầu tháng, chúng tôi thắp hương cho tất cả các phần mộ, có "cụ" hay hút thuốc lá thì mình cũng phải châm thuốc lá cắm vào bát nhang, rồi cúng đồ ăn chay, hoa quả..." - chị Thêm chia sẻ.
Cũng gắn bó mới công việc tâm linh để mưu sinh, chị Hà Thị Hồng (SN 1979, trụ tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) cho rằng: "Làm việc cho "các cụ" là phải xuất phát từ cái tâm, phải thật chu đáo, nếu mình làm không tốt, gia đình người thân của "các cụ" có thể không biết nhưng không thể qua mắt được "các cụ".
“Thời gian gắn bó càng lâu sẽ không có cảm giác sợ, cho dù là những ngôi mộ mới được chuyển đến. Tôi đều coi những phần mộ ở đây như những ngôi nhà của người đã khuất, nó chứa đựng một cái gì đó rất sâu thẳm và thiêng liêng. Chính vì vây, khi dọn vệ sinh, tưới cây bên cạnh những ngôi mộ, tôi đều chú ý từ cách đi đứng, quay lưng sao cho hợp lý. Nhất là khi lau chùi các bát hương, cũng không được phép dịch chuyển hay làm xê dịch”, chị Hồng tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, xã Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, chị gắn bó với công việc này đã nhiều năm nay. "Vất vả nhất là những ngày trời nắng lại còn mất điện, không bơm được nước, tất cả các công nhân phải đi xách từng xô nước xa hàng trắm mét để tưới cây, lau sạch mộ. Vào mùa ngập úng, cây cảnh của các phần mộ bị sâu bệnh, chưa kịp phun thuốc hay chưa kịp làm sạch... cũng có gia đình khi lên thăm mộ ý kiến. Nhưng một phần do đặc thù công việc nên họ cũng thông cảm với nỗi vất vả của mình", chi Hoa nói.
“Mặc dù công việc này không khó, nhưng đòi hỏi người làm phải có sự kiên trì, đặc biệt phải cái tâm mới làm tốt được. Có hôm 2h sáng, tôi đã phải đi phụ giúp người nhà đưa phần mộ người mất lên chôn cất. Có lúc cảm giác lạnh sống lưng nhưng giờ thành quen rồi không còn sợ hãi nữa”, chị Hoa cho hay.
Dù thu nhập không cao nhưng chị Hoa cho biết, chị đã quen với công việc này và sẽ gắn bó với nó suốt đời. “Tôi cảm thấy yêu cái công việc này, gia đình tôi cũng rất ủng hộ. Bên cạnh đó, người thân của những người đã khuất mỗi khi lên thăm mộ thấy mình dọn dẹp sạch sẽ cũng tỏ lòng biết ơn. Đó cũng là động lực khích lệ rất lớn để tôi tiếp tục công việc của mình".
Nằm sát trục đường quốc lộ 6, cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km, nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) tọa lạc trên dải đất gồm 9 quả đồi rộng gần 100 ha, được coi là nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á.
Tại đây có hàng trăm người phụ nữ, hằng ngày làm công việc chăm sóc những phần mộ của những người đã khuất .
Họ coi những phần mộ ở đây như chính phần mộ tổ tiên của mình.
Công việc lúc nào cũng bận rộn, nhiều hôm, những người chăm sóc mộ phải tăng ca đến 8h tối mới hết việc.
Chị Hà Thị Hồng (36 tuổi, ở xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn) đã gắn bó với công việc này được hơn 5 năm, chị chia sẻ: “Những phần mộ ở đây, chúng tôi đều coi đó những ngôi nhà của người đã khuất, nhưng đó không phải là những ngôi nhà đơn thuần như ta nghĩ, mà còn chứa đựng một cái gì đó rất thiêng liêng”.
Phải làm việc bên hàng nghìn ngôi mộ nhưng với người phụ nữ này, sự hài lòng từ người nhà các phần mộ luôn là động lực khích lệ tinh thần rất lớn để họ tiếp tục công việc của mình.
Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì bởi một ngày một người phải làm việc liên tục với tần suất cao.
Bất kể mộ lớn hay nhỏ, các chị vẫn dọn dẹp sao cho sạch như nhau để gia đình các phần mộ ở đây được yên tâm cũng như "các cụ" cảm thấy hài lòng.
Chị Bùi Thị Thêm (xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) sau khi dọn dẹp, chị thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với người đã mất.
Theo các công nhân ở đây, hầu hết các phần mộ ở đây là của các gia đình tại Hà Nội .
Với khung cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều người đánh giá, đây là một công viên nghĩa trang đẹp nhất Việt Nam.