Bãi rác thải chui khổng lồ ở Đồng Nai
Bùn thải, chất thải công nghiệp từ các công ty trên địa bàn mang về đổ chui gần chục năm nay.
“Đồng Nai có bãi đổ trộm chất thải công nghiệp khổng lồ tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chẳng ai rờ tới…” - T., lái xe thuê cho một công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại, trong cơn say cuối tuần vô tình thông tin với chúng tôi.
Hàng ngàn tấn chất thải lộ thiên
Trong vai người đi mua đất rẫy, chúng tôi dễ dàng tiếp cận bãi đổ chất thải công nghiệp giữa khu rừng thuộc địa bàn ấp 1, xã Phước Bình, huyện Long Thành, Đồng Nai, nằm cách trụ sở UBND xã chưa đầy một cây số.
Tại một hầm đất gần cả chục hecta với những chỗ sâu đến hơn chục mét, hàng ngàn tấn bùn thải công nghiệp màu trắng được đổ thành những đống lớn nằm khắp nơi. Những đống bùn thải bạc màu nằm xen lẫn với các đống bùn thải còn mới tinh.
Ngoài những đống bùn thải công nghiệp, trong khu vực còn chứa nhiều phế phẩm của quá trình sản xuất gạch men: gạch vỡ và bột màu trắng nằm lẫn với nhau.
Tiếp tục vào sâu bên trong theo con đường mòn giữa rừng tràm, chúng tôi thấy hố nước cả chục hecta đang là nơi tập kết bùn thải và phế phẩm gạch men. Các đống bùn thải màu trắng và đen sì bốc lên mùi hóa chất rất khó chịu. “Hồ này thông với một con suối và con suối cung cấp nước tưới, tiêu cho người dân ở xã Phước Bình. Các chất thải công nghiệp từ đây sẽ đổ vào nguồn nước con suối, phát tán ra môi trường là hết sức nguy hiểm” - người dẫn đường chỉ tay xuống mặt nước xanh lè, nói.
Cạnh hồ nước này, chúng tôi còn ghi nhận một khu hầm đất đã được lấp đầy gạch vỡ và chất bột màu trắng…
Khu vực đổ chất thải công nghiệp chưa qua xử lý thông với con suối chảy ra khu vực. Ảnh: T.DŨNG
Chất thải công nghiệp chất đống và một số được đóng bao để chở đi nơi khác. Ảnh: T.DŨNG
Nơi gom chất thải của nhiều công ty
Chiều 22-12, tại khu vực hầm đất có gần chục người đang đóng bao bùn thải cũ. Thấy người lạ, họ ngưng công việc, lia ánh mắt dò xét về phía chúng tôi. Khi nghe chúng tôi giới thiệu đang đi tìm đất rẫy để mua thì D., xưng là quản lý, mới dè dặt tiếp chuyện.
D. cho biết chất thải mà họ đang đóng bao là bùn thải công nghiệp, chở từ các công ty KCN Gò Dầu mang về ủ. “Loại bùn này ủ hơn một năm thì đóng bao chở lên Tây Ninh rồi chuyển qua Campuchia bán cho người dân bón cây, hơn 10.000 đồng/bao. Mua bao nhiêu cũng có, mua số lượng nhiều công ty sẽ cho xe chở đến tận nơi” - D. chỉ tay vào những bao tải chứa bùn thải công nghiệp, nói.
Ông Q., người hoạt động trong ngành xử lý chất thải công nghiệp nguy hại đóng trên địa bàn huyện Long Thành, cho hay xe đến đổ bùn thải công nghiệp và phế thải là của Công ty VP sản xuất gạch men, có trụ sở đóng tại xã Phước Thái.
Theo ông Q., Công ty VP ký hợp đồng xử lý chất thải công nghiệp với các công ty đóng trong KCN Gò Dầu nhưng trên thực tế đã chở chất thải của hai công ty TXR và VC đóng trong địa bàn đổ thẳng xuống khu vực trên. Tương tự, Công ty VP cũng chở bùn thải của Công ty VD và một số công ty khác về khu vực đổ rồi sau đó đóng bao, chở đi đâu không rõ. “Tất cả phế thải trong quá trình sản xuất gạch men và bùn thải công nghiệp không được Công ty VP xử lý theo quy định mà đổ trực tiếp ra môi trường” - ông Q. thông tin.
Chính quyền biết nhưng không xử lý
Theo người dân địa phương, khu vực hầm đất và hồ nước trên là của ông Lâm, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành. “Chất thải công nghiệp mang đổ vào khu vực này gần chục năm nay. Người dân đã nhiều lần phản ánh và xã có cho người xuống lập biên bản, ghi nhận ý kiến của dân nhưng mọi việc đâu lại vào đó vì ông Lâm có người nhà làm lãnh đạo xã Phước Bình” - một người dân trong khu vực nói.
Trao đổi về bãi tập kết chất thải khổng lồ trên, bà Đồng Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình,thừa nhận khu vực hầm đất và hồ nước đang bị đổ trộm chất thải là của ông Lâm. “Việc đổ trộm chất thải công nghiệp tại khu vực trên đã diễn ra năm, bảy năm nay rồi chứ không phải bây giờ. Xã cũng đã nhận được phản ánh của người dân, đã cho cán bộ địa chính xuống kiểm tra xác minh và ghi nhận thực tế nhưng chưa phát hiện được việc đổ trộm vì họ hoạt động lén lút, đổ vào ban đêm” - bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, khoảng bảy năm trước ông Lâm xin phép cải tạo khu đất trên và gần đây sử dụng mặt bằng để phơi bùn thải. Công ty vận tải của ông Lâm mang số bùn thải đóng bao đi đâu xã không rõ. “Việc phơi bùn thải chưa được xã cho phép và cũng đã lập biên bản sự việc…” - bà Hạnh nói.
Về câu hỏi ông Lâm được lãnh đạo xã là người thân “chống lưng” nên việc đổ bùn thải trong một thời gian dài mà không bị xử lý, bà Hạnh từ chối trả lời và nói “để họp lãnh đạo và trả lời sau”.
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh về bãi chất thải công nghiệp khổng lồ không qua xử lý, ngày 25-12, UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo cơ quan chức năng đến hiện trường kiểm tra. “Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh và sẽ phản hồi cho báo chí rõ” - ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết.
“Công ty của tôi không xử lý chất thải” Trao đổi qua điện thoại, ông Lâm thừa nhận khu hầm đất và hồ nước trên là của mình. + Tôi xin gạch bể của các công ty sản xuất trong KCN để sử dụng và san lấp mặt bằng. Các loại bùn thải thực chất là đất sét mà các công ty mua ở Lâm Đồng, thuê tôi chở về phơi khô rồi chở trở lại cho các công ty sử dụng. • Nhưng theo quan sát của chúng tôi thì đây là bùn thải công nghiệp? + Đất sét chứ không phải bùn thải công nghiệp (!?). Công ty Vạn Phát 2 của gia đình chỉ làm vận chuyển, không có chức năng xử lý chất thải nên không có chuyện tôi ký hợp đồng với các công ty để xử lý chất thải, công ty chỉ nhận vận chuyển thôi. • Dư luận cho là ông có em trai đang làm lãnh đạo xã “chống lưng” mới đổ chất thải công nghiệp mà không bị xử lý? + Việc tôi làm không liên quan gì đến lãnh đạo xã như dư luận đồn thổi. Tôi không đổ chất thải công nghiệp ở khu vực trên và không gây ô nhiễm môi trường. Nếu tôi vi phạm thì các cơ quan chức năng đã xử lý rồi… Việc ông Lâm đổ chất thải như vậy là sai quy định pháp luật. Nhận được thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ cho cơ quan chuyên môn kiểm tra. Ông NGÔ THẾ ÂN, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, Đồng Nai |