Bãi giữ xe ở Bình Dương quá tải vì người vi phạm 'bị bắt là bỏ phương tiện'
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, có tới 50% trường hợp vi phạm không đến nộp phạt và không đến nhận lại phương tiện tịch thu theo thời gian thông báo. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sau 1 năm mới đưa vào lộ trình tịch thu, xử lý, thời gian này kéo dài dẫn đến tình trạng bãi giữ xe quá tải, thiếu chỗ chứa.
Ngày 18/4, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết, để kéo giảm tai nạn giao thông cần kết hợp nhiều giải pháp, ngoài tuyên truyền, tuần tra, nâng cấp hạ tầng giao thông, việc xử phạt vi phạm hành chính là bắt buộc để thể hiện tính răn đe, chấn chỉnh những hoạt động vi phạm mang tính chất ý thức chủ quan.
Tuy nhiên theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, hiện nay, số phương tiện tạm giữ tăng đột biến. Có những thời điểm cao điểm dẫn đến tình trạng bãi giữ xe quá tải, thiếu chỗ chứa. Do đó, để ứng phó với hoàn cảnh trước mắt, công an tạm thời hợp đồng với doanh nghiệp để tạm giữ phương tiện song vẫn quá tải.
Theo Công an tỉnh Bình Dương có tới 50% trường hợp vi phạm không đến nộp phạt và không đến nhận lại phương tiện tịch thu theo thời gian thông báo. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sau 1 năm mới đưa vào lộ trình tịch thu, xử lý, thời gian này kéo dài dẫn đến tình trạng bãi giữ xe tăng cao hơn.
Một bãi giữ xe vi phạm tại Bình Dương
Về lâu dài, Công an tỉnh Bình Dương kiến nghị trong quá trình góp ý chỉnh sửa luật nên có hướng rút gọn quy trình về thời gian xử lý phương tiện vi phạm.
Cũng liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương cho biết thêm, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Tuy nhiên, qua thực tế, nhiều trường hợp người vi phạm cung cấp địa chỉ thường trú, tạm trú không rõ ràng. Đồng thời, mỗi ngày, số lượng quyết định xử phạt do lực lượng chức năng ban hành rất nhiều nên việc thực hiện gửi quyết định, niêm yết gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí gửi quyết định xử phạt.
Theo đại diện phòng Cảnh sát giao thông, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Trong khi mỗi ngày có rất nhiều quyết định xử phạt trong lĩnh vực giao thông, biên chế lại ít nên rất khó khăn trong việc xác minh điều kiện, khả năng thi hành quyết định xử phạt, thi hành quyết định cưỡng chế và triển khai thực hiện cưỡng chế.
Lực lượng CSGT Bình Dương ra quân kiểm tra, xử lý học sinh điều khiển xe máy trên đường
Hiện nay, lực lượng CSGT đã triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, các quyết định xử phạt có thông tin về số điện thoại của người vi phạm, sau khi được người có thẩm quyền phê duyệt hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn SMS cho người bị xử phạt. Người bị xử phạt có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia để xem được mức tiền phạt để lựa chọn hình thức nộp phạt.
Trên cơ sở đó, Công an tỉnh Bình Dương đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng sau khi ban hành quyết định xử phạt hành chính có thể gửi thông tin nội dung xử phạt cho người vi phạm qua tin nhắn SMS để người vi phạm truy cập, xem thông tin số tiền bị xử phạt nhằm giảm bớt thủ tục gửi quyết định xử phạt bằng văn bản giấy cho người vi phạm.
Cũng theo đại diện phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương, trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn liên quan đến trường hợp sử dụng giấy phép lái xe tích hợp ô tô và mô tô. Cả lực lượng chức năng và người dân vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc làm thủ tục tách giấy phép lái xe khi bị tước quyền sử dụng do vi phạm giao thông (bị tước một trong 2 loại ô tô và mô tô.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng ngàn chiếc xe máy đủ loại từ mới đến cũ nát được tập kết, chất đống tại các bãi xe nhưng không thấy chủ nhân tới làm thủ tục nhận về khiến các...