Bài cúng được sử dụng nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên đán vì thế cách chuẩn bị đồ lễ và bài cúng rất quan trọng.
Người dân tấp nập đi mua bánh ú, cơm rượu, lá xông để ăn Tết Đoan Ngọ
Vào ngày 5/5 Âm lịch hằng năm, người Việt Nam thường tổ chức đón Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt trừ sâu bọ.
Theo quan niệm của người xưa, Tết Đoan Ngọ là ngày Tết lớn thứ 2 trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, cách chuẩn bị đồ cúng, lễ vật cho ngày lễ này cũng rất quan trọng.
Sư thầy Thích Vân Phong – Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, những lễ vật cần chuẩn bị cho mâm cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm có hương, hoa, vàng mã, nước, cơm rượu nếp và các loại hoa quả như: mận, hồng xiêm, dưa hấu, đào, vải, chuối…
Về bài cúng ngày Tết Đoan Ngọ được sử dụng phổ biến nhất, thầy Phong cho hay: “Tùy vào tập tục ở từng nơi mà người ta có thể biến tấu sao cho phù hợp, quan trọng nhất là phải thành tâm”.
Thời gian cúng là giờ Ngọ, tức là từ 11 giờ đến 13 giờ ngày 5/5 Âm lịch, chính Ngọ (12 giờ trưa) là thời điểm tốt nhất.
Sau đây là bài Văn khấn ngày Tết Đoan Ngọ mà sư thầy Thích Vân Phong cho rằng phổ biến nhất: Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ). Tín chủ chúng con là:………………….Tuổi:……………… Ngụ tại:…………………………………………………………….. Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật. Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! |
Sau Tết Nguyên Đán, Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) là cái Tết sum vầy đầm ấm và lớn nhất của người dân Việt.