Bãi chứa tang vật quá tải, Công an TPHCM lên phương án chỉ giữ giấy tờ
Để giảm quá tải cho các bãi chứa tang vật, Công an TPHCM cho phép người vi phạm đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện, tạm giữ giấy tờ hoặc tịch thu, bán đấu giá tang vật.
Chiều 18/1, tại buổi họp báo tình kinh tế - xã hội định kỳ, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM trả lời câu hỏi của báo chí về việc luật có quy định cá nhân vi phạm giao thông có thể đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện, vì sao Công an TPHCM không áp dụng cách này để giảm bớt việc tạm giữ xe máy, hạn chế quá tải cho kho tang vật?
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM trả lời họp báo. Ảnh: Thành Nhân
Thượng tá Hà nhìn nhận, vấn đề cho người vi phạm đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện, tạm giữ giấy tờ để thay cho tạm giữ phương tiện, tịch thu, bán đấu giá tang vật... đã được Công an TPHCM thực hiện tốt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người dân ít lựa chọn nộp tiền phạt mà chọn để lại giấy tờ.
Thống kê của Công an TPHCM cho thấy, số tang vật vi phạm bị tạm giữ trong năm 2023 là trên 155.000 phương tiện. Trong đó, các kho của Công an TPHCM tạm giữ khoảng 32.000 phương tiện và Công an các quận, huyện và TP. Thủ Đức khoảng trên 20.000 phương tiện.
Về kết quả bán đấu giá xe, trong năm 2023, Công an TPHCM đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện. Trong đợt đấu giá lần 3, Phòng CSGT đã bán đấu giá hơn 5.300 phương tiện, thu hơn 4 tỷ đồng.
Ông Hà giải thích thêm, quá trình thực hiện đấu giá tang vật phương tiện bị tạm giữ, tịch thu liên quan đến quyền sở hữu Công dân theo quy định của Hiến pháp, nên trình tự, thủ tục tốn nhiều thời gian.
Cụ thể, quy trình này bao gồm: Tổ chức xác minh, giám định số khung, số máy phương tiện; Đăng báo tìm chủ sở hữu; Lập phương án xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu báo cáo về Bộ Công an; Công an TPHCM ra quyết định phê duyệt phương án cho bán đấu giá; Tổ chức các bước bán đấu giá tài sản theo quy định.
Trong năm 2023, Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý hơn 128.000 trường hợp điều khiển ô tô, mô tô vi phạm nồng độ cồn.
Do mức phạt các lỗi này tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nên không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi. Nhiều đơn vị CSGT phải tận dụng khoảng trống tại trụ sở để làm nơi tạm giữ phương tiện vi phạm. Theo thống kê, TPHCM còn thiếu hơn 10.000 m2 kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.
Bên trong các kho tang vật vi phạm giao thông ở TP.HCM, hàng chục nghìn phương tiện chất cao thành “núi”, bị cỏ cây bao trùm, phơi nắng mưa nhiều năm...
Nguồn: [Link nguồn]