Bãi biển ngập ngụa rác: Ai nai lưng ra dọn?

Không thể để người khác nai lưng ra dọn dẹp hậu quả từ những hành vi thiếu văn hóa của du khách.

Bãi biển ngập ngụa rác: Ai nai lưng ra dọn? - 1

Bãi biển ven khu nhà thờ đổ thuộc xã Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày, cùng với đó là thời tiết nắng nóng, oi bức trên hầu hết các tỉnh thành. Chính vì thế, một lượng lớn người dân đã đổ về các bãi biển để tham quan du lịch, vui chơi.

Những bãi biển nổi tiếng trên khắp cả nước như Quất Lâm (Nam Định), Cồn Vành (Thái Bình), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang (Khánh Hòa)… chật kín người tắm biển. Các khách sạn, nhà nghỉ gần những bãi biển này đều trong tình trạng “cháy” phòng.

Song song với lượng du khách khổng lồ, một lượng rác cũng không hề nhỏ được xả ra môi trường. Hầu hết, các bãi biển đều có biển báo cấm bán hàng rong, cấm du khách mang đồ ăn xuống biển, tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra rất phổ biến. Những bãi biển chẳng khác gì một bãi rác sau khi du khách rút khỏi.

Thậm chí, ngày 4.5, lực lượng chức năng TP Vũng Tàu thu thập thông tin, lập biên bản để xử phạt 3 khu du lịch New Wave, San hô xanh và Long Cung vì đã để du khách ăn nhậu và xả rác ra bãi biển.

Bãi biển ngập ngụa rác: Ai nai lưng ra dọn? - 2

Bãi biển hóa bãi rác vì hành vi xả rác bừa bãi của du khách.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, không chỉ riêng đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua tình trạng xả rác bừa bãi tại các bãi biển mới xuất hiện, mà hành vi này đã có từ rất lâu.

“Đây là một thói quen rất đáng phê phán của du khách. Nó đã và đang làm xấu đi hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Tổng cục Du lịch đang nỗ lực phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình ứng xử văn minh khi đi du lịch. Chương trình nhằm mục đích vận động người dân đi du lịch cần có ý thức hơn, đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Tuấn cho rằng, ngoài sự nỗ lực của Tổng cục, chính quyền các cấp, ban ngành địa phương liên quan cũng cần quản lý tốt các điểm du lịch sở tại và kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội vì mục đích chung.

“Chúng tôi có nỗ lực quảng bá hình ảnh đến mấy nhưng việc quản lý điểm đến không tốt, đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh môi trường thì hình ảnh để lại trong lòng du khách sẽ không trọn vẹn”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, không thể để những công ty du lịch nai lưng ra dọn rác vì những hậu quả của hành vi thiếu văn hóa của du khách. Phát triển du lịch song hành với việc bảo vệ môi trường là mục tiêu mà ngành du lịch phải theo đuổi. Tuy nhiên, việc làm trước hết cần phải làm là thay đổi hành vi của du khách về việc giữ gìn môi trường khi đi du lịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN