“Bậc thầy kung fu”của Việt Nam đã khổ luyện ra sao?
Kỷ lục gia kung fu này từng gặp nạn khi biểu diễn khiến ông bất tỉnh, dập phổi, nhưng ông quyết không bỏ nghề.
Ông Nguyễn Quang Hiển đang biểu tiết mục tựa bụng vào mũi giáo nhọn vào xoay nhiều vòng.
Ông Nguyễn Quang Hiển (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) là nhân vật được nhiều người biết đến với những màn biểu diễn kung fu không khác gì “hành hạ” chính cơ thể mình. Ông Hiển có khả năng biểu diễn 32 tiết mục khác nhau và nhiều trong số đó là những tiết mục nguy hiểm, có thể lấy đi mạng sống của ông bất kỳ lúc nào.
Chia sẻ với PV, ông Hiển cho biết, ông chỉ học đến lớp 7 và đã tự mình bương trải cuộc sống với rất nhiều ngành nghề từ bốc xếp, chở hàng thuê cho tới ca hát, làm diễn viên,... Quá khứ của ông thậm chí từng dính vào một vụ ẩu đả, gây thương tích cho người khác và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, vượt lên quá khứ ấy, giờ đây ông Hiển đã có một cuộc sống đầy đủ, chỉ thiếu tình thương của mẹ bởi mẹ của ông đã mất từ khi ông còn nhỏ.
Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với con đường võ thuật, ông Hiển kể: “Lúc nhỏ tôi rất quậy phá và thích võ thuật nên đã học võ từ lúc 9 tuổi. Về sau xem các chương trình kung fu của Trung Quốc, thấy có nhiều màn biểu diễn khí công hay quá nên tôi quyết định luyện tập theo”.
“Tôi không nghĩ con đường võ thuật lại có thể giúp mình nổi tiếng. Bây giờ tôi muốn cúng tổ như nhiều võ sư khác nhưng không biết cúng ai, tại tất cả là do tôi tự luyện tập mà thành chứ không có sư phụ nào. Không có thầy nhưng tôi lại có gần 30 đệ tử, trong đó có đệ tử ruột tên Hoàng Vũ quê ở Quy Nhơn mà đi biểu diễn ở đâu tôi cũng dẫn theo”, ông Hiển bộc bạch.
Theo ông Hiển, tính tới hiện tại, ông đã dành trọn 25 năm theo đuổi con đường võ thuật và biểu diễn kung fu. Mỗi tiết mục biểu diễn là mồ hôi, nước mắt và là thành quả của quá trình kiên trì khổ luyện vượt qua mọi đau đớn, sợ hãi theo đúng cách hiểu về từ “kung fu”.
Cận cảnh chiếc móc hình lưỡi câu được ông sử dụng cho tiết mục nâng xô nước bằng mắt.
Khi được hỏi về tiết mục nguy hiểm nhất của mình, ông Hiển nhắc ngay tới tiết mục dùng mắt kéo xích lô, nâng xô nước và tiết mục giữ thăng bằng trên ngọn giáo nhọn hoắt. Riêng tiết mục nâng xô nước bằng móc inox móc vào mí dưới mắt, ông Hiển đã dành 6 tháng trời luyện tập cho tới khi thuần thục.
“Ban đầu tôi dùng vật nhọn đẩy nhè nhẹ vào mí mắt để làm quen cảm giác, càng về sau thì càng tăng lực đẩy và đưa vật nhọn vô sâu hơn. Mắt con người chỉ bị dính vài hạt bụi đã đau nhức, khó chịu, đằng này mình móc cả một đoạn kim loại vào thì không nói chắc ai cũng hiểu”, ông Hiển kể.
Ông Hiển đang nâng 2 xô nước có tổng trọng lượng khoảng 10,5kg bằng đôi mắt.
Mặc dù đánh giá tiết mục giữ thăng bằng trên ngọn giáo nhọn ít nguy hiểm hơn các tiết mục sử dụng mí mắt; nhưng theo ông Hiển, khi biểu diễn vẫn có thể bị mũi giáo đâm xuyên vào bụng bất kỳ lúc nào.
“Tôi thường chọn điểm tựa mũi giáo ở cổ hoặc bụng. Ở cổ thì không lo tại tư thế nằm sẽ dễ xoay sở khi xảy ra sự cố, còn để mũi giáo chỉa vào bụng thì sẽ khó xử lý hơn. Nhưng tôi đã luyện tập nhuần nhuyễn và tập trung cao độ khi biểu diễn nên không có gì phải quá lo lắng”, ông Hiển nói.
Mặc dù vậy, quá trình tập luyện những “món nghề” sử dụng mũi giáo hay móc kim loại làm đạo cụ như trên đã khiến cơ thể ông Hiển có những vết sẹo ở cổ và bụng. Chúng được ông Hiển xem như những kỷ niệm khó quên để khi nhìn vào lại nhớ tới sự khổ luyện trong quá khứ.
Trong khi đó, ở một tiết mục biểu diễn khác là cho xe tải cán qua người, ông Hiển đã gặp sự cố để đời vào năm 2009 ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM). “Theo nguyên tắc là tôi đặt một tấm ván trên ngực để cho một bên bánh xe cán qua người. Tuy nhiên lúc đó tấm ván bị lệch khiến bánh xe kẹt lại đè hẳn lên người tôi”, ông Hiển nhớ khoảnh khắc gặp sự cố.
Tiết mục biểu diễn từng khiến ông gặp nạn tới dập phổi.
Ở sự cố này, ông Hiển đã bất tỉnh trong khoảng 5 phút và được đưa đi cấp cứu. Do bị dập phổi cùng một số chấn thương bên trong nội tạng, ông Hiển đã phải nghỉ biểu diễn trong khoảng 8 tháng. Song với niềm đam mê của mình, ông Hiển đã nhanh chóng trở lại biểu diễn khắp các phương trời sau thời gian tịnh dưỡng.
“Sau một thời gian lăn lộn và đào tạo ra nhiều học trò giỏi, bây giờ tôi đã hạn chế nhận lời đi biểu diễn. Nhưng có những đợt nhà chùa mời tôi biểu diễn từ thiện thì tôi vẫn tham gia vì đam mê và tinh thần thiện nguyện”, ông Hiển bộc bạch.
Dị nhân Nguyễn Đắc Điệu từng nuốt 15 thanh kiếm cùng lúc và trở thành người Việt Nam đầu tiên xác lập kỷ lục này.