Bác sĩ trong tâm dịch nghẹn lòng nghe con hỏi 'khi nào ba mẹ về'
“Ba ơi, khi nào ba về, khi nào mẹ về” câu hỏi hồn nhiên của đứa con thơ khoét sâu vào nỗi nhớ thương của người cha nơi tuyến đầu chống dịch. Anh chỉ biết an ủi “ráng nhé con, ít bữa nữa ba mẹ về rồi”.
Tranh thủ chủ thời gian nghỉ giữa trưa nam bác sĩ gọi điện về thăm con. Câu hỏi hồn nhiên: “Ba ơi, khi nào ba mẹ về” của con thơ khiến anh nghẹn lòng. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 căng thẳng, cả hai vợ chồng anh nhiều ngày qua chưa được gặp con.
BS Chánh Xuân (người mang khẩu trang màu xanh) trong cuộc họp giao ban công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Người cha trong đoạn hội thoại ngắn ngủi ấy là Bác sĩ Trần Chánh Xuân - Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID Củ Chi (TPHCM). Để đáp ứng điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng, kể từ ngày 12/6 tới nay Bệnh viện huyện Củ Chi đã chuyển đổi công năng, trở thành nơi chuyên thu dung, điều trị COVID-19. Là người chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động tại bệnh viện, bác sĩ Chánh Xuân đã phải “cắm chốt” 24/24 tại bệnh viện để chăm sóc điều trị người bệnh. Anh tạm thời xa gia đình.
Anh chia sẻ: “Thời gian xa các con ngày càng dài thêm. Trước khi Bệnh viện huyện Củ Chi chuyển đổi công năng thì bản thân tôi đã được luân phiên thực hiện nhiệm vụ quản lý tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi chuyên tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân COVID-19 kể từ tháng 2/2020. Tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã thường xuyên trực chiến, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hơn hai năm qua". Theo bác sĩ Xuân, dịch bệnh có lúc thăng, lúc trầm, nhưng đến đợt bùng phát lần thứ 4 này thì cả ngành y tế đều phải căng mình trong mọi hoạt động từ khoanh vùng xét nghiệm đến điều trị.
Vợ chồng bác sĩ Chánh Xuân có hai con, cậu bé đầu lòng được 9 tuổi và bé gái thứ hai nay 4 tuổi. Chồng tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, vợ chuyên ngành sản khoa. Tuy nhiên, hơn 2 tuần trước chị tiếp xúc với ca bệnh, trở thành F1 nên phải cách ly tập trung. Thiếu bóng cha nay lại vắng cả mẹ, người giúp việc của gia đình trở thành trụ cột để chăm sóc và yêu thương hai đứa con thơ của vợ chồng bác sĩ.
Khoảnh khắc một cháu bé chào đời trong Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Củ Chi.
Đến sáng 16/7 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi đang điều trị cho 721 ca, trong đó có 55 ca bệnh nặng và rất nặng, 12 ca nguy kịch. Theo bác sĩ Xuân các trang thiết bị về cơ bản đáp ứng được công tác chống dịch, nguồn nhân lực được sự điều động bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố hỗ trợ thêm để đáp ứng điều trị cho người bệnh.
“Bây giờ, tôi rất mong sẽ sớm hạn chế được số ca mắc và cầu cho những trường hợp đã mắc không diễn tiến nặng, các bệnh nhân được điều trị ổn định và xuất viện sớm. Hy vọng cả xã hội sẽ sớm trở lại giai đoạn bình thường mới để mọi ngành nghề được tái lập tại, nhà nhà đoàn viên”- bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID Củ Chi.
Tuy đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách nhưng bác sĩ Chánh Xuân đang cùng đồng nghiệp từng bước vượt qua. Anh chia sẻ: “Không chỉ bản thân tôi mà hơn 500 anh chị em đang làm công tác chuyên môn tại bệnh viện phải gác lại mọi công việc gia đình để tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Với chúng tôi đây là công việc của mình nên mọi việc gia đình đều phải cố gắng thu xếp. Chúng tôi chủ yếu gọi điện về nhà để thăm hỏi sức khỏe cha mẹ, động viên con cái và người thân với tinh thần chia sẻ yêu thương. Các con tôi còn nhỏ nên khi phải xa nhau lâu ngày chúng rất nhớ, mỗi lần gọi điện về đều là những cảm xúc rất đặc biệt”.
Cũng như bao người khác, bác sĩ Xuân ngày nào cũng giữ chút hy vọng được về nhà ít hôm với tụi nhỏ, nhưng đành gác lại để lo cho bệnh nhân được ổn. "Tôi ở bệnh viện thì cũng lo tụi nhỏ, nhưng là cái lo tinh thần còn khi về nhà thì lại lo ở bệnh viện, mà là cái lo tính mạng bệnh nhân. Nên thôi gắng gượng, ráng ít hôm nữa mẹ tụi nhỏ hết thời gian cách ly trở về nhà thì mọi chuyện sẽ ổn”- bác sĩ Xuân tâm sự.
Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi đang nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang khiến ngành y tế TPHCM đối mặt với áp lực rất lớn khi số ca bệnh đông, nhiều người diễn tiến nặng, nguy kịch. Các bác sĩ đang phải căng mình trên mọi chiến tuyến để tầm soát, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Có những người đã bị dịch bệnh vắt đến kiệt sức nhưng họ vẫn gắng gượng để tiếp tục chiến đấu với tinh thần hy sinh, lăn xả, cống hiến hết mình vì sự bình an của cả xã hội.
Giữa guồng quay COVID-19, thường xuyên phải cấp cứu, điều trị các ca bệnh nặng bác sĩ Xuân cảm nhận rõ sự căng thẳng và kết thúc cuộc chia sẻ, anh chỉ ước mong "sẽ sớm trở lại giai đoạn bình thường mới để nhà nhà đoàn viên”.
Dưới cơn mưa tầm tã, lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn căng mình chốt chặn, túc trực tại các điểm ra vào nơi...
Nguồn: [Link nguồn]