Bác sĩ TQ thực hiện 1000 ca phẫu thuật cắt lìa đầu
Nếu thành công, hình thức phẫu thuật này có thể sẽ có ích đối với các bệnh nhân bị ung thư, tổn thương tủy sống hoặc các căn bệnh thoái hóa cơ.
Kể từ tháng 7.2013 đến nay, bác sĩ Trung Quốc tên là Nhân Tiểu Bình và đội ngũ của ông ở Đại học Y Cáp Nhĩ Tân đã làm chấn động giới y học khi thực hiện thành công khoảng 1000 ca phẫu thuật ghép đầu được thực hiện trên chuột.
Trong những ca phẫu thuật cắt lìa đầu này, bác sĩ Nhân đã cắt rời đầu của chuột đen ghép vào thân chuột trắng và ngược lại, và tất cả những con chuột này đều có khả năng tự thở và sống sót tới 10 ngày sau phẫu thuật.
Từng tốt nghiệp Đại học Y Cincinnati ở Mỹ cách đây 15 năm, bác sĩ Nhân hiện đang sống tại quê nhà ở Cáp Nhĩ Tân, nơi ông dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu, còn vợ con ông hiện vẫn đang sống ở Mỹ.
Bác sĩ Nhân bắt đầu thực hiện các thí nghiệm ghép đầu chuột theo một chương trình nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ, và hiện ông tự coi mình là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật này.
Vị bác sĩ này tuyên bố rằng sau khi thử nghiệm thành công trên chuột, trong thời gian tới ông sẽ thực hiện các ca phẫu thuật ghép đầu đối với khỉ, loài động vật có nhiều đặc điểm giống người, với hy vọng sẽ “tạo ra động vật linh trưởng đầu tiên được ghép đầu mà vẫn có thể sống và tự thở, ít nhất là trong một thời gian ngắn”.
Nếu thành công, công trình nghiên cứu của bác sĩ Nhân có thể sẽ có ích đối với các bệnh nhân bị ung thư, tổn thương tủy sống hoặc các căn bệnh thoái hóa cơ. Tuy nhiên, bác sĩ Nhân thừa nhận con đường để đạt tới mục đích đó còn rất dài và rất nhiều thử thách.
Trong khi đó, nhiều bác sĩ trên thế giới đã bày tỏ sự hoài nghi đối với khả năng thành công của các ca phẫu thuật ghép đầu ở người, khi một số người gọi các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này là “bác sĩ Frankenstein”.
Ngoài vấn đề đạo đức, các bác sĩ khi thực hiện phẫu thuật ghép đầu còn đối mặt với nhiều thách thức lớn khác như việc cung cấp ô-xy cho não trong quá trình phẫu thuật, hay việc ngăn chặn nguy cơ đào thải của hệ miễn dịch cơ thể.
Bác sĩ Nhân tâm sự: “Chúng tôi muốn thực hiện phẫu thuật này lâm sàng, nhưng chúng tôi phải tiến hành trên loài động vật có khả năng sinh tồn cao đã. Hiện tôi vẫn chưa thể tự tin nói rằng mình có thể thực hiện phẫu thuật ghép đầu ở người”.
Giáo sư Arthur Caplan, chuyên gia về đạo đức y học ở Đại học New York tuyên bố: “Toàn bộ ý tưởng này đều là lố bịch”.
Tuy nhiên, một kỹ sư máy tính ở Nga tên là Valery Spiridonov tuyên bố anh sẵn sàng chấp nhận bất cứ rủi ro nào để trở thành người đầu tiên được ghép đầu, bởi cơ thể anh đang bị một chứng bệnh nan y hành hạ.
Một bác sĩ người Ý tên là Sergio Canavera tuyên bố có thể sẽ thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu cho Spiridonov vào năm sau để giúp anh có một cơ thể mới hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện bác sĩ Canavera vẫn đang kêu gọi tài trợ cho cuộc phẫu thuật lịch sử của mình.