Bác sĩ nói gì về năng lực chữa bệnh của “thần y” Võ Hoàng Yên?

Các bác sĩ, lương y cho rằng ở Việt Nam, phương pháp chữa bệnh đông y là có nhưng “thần y” chữa khỏi các bệnh dị tật như câm, điếc là không thể.

Ông Võ Hoàng Yên được nhiều người gọi là "thần y" chữa khỏi bệnh câm, điếc

Ông Võ Hoàng Yên được nhiều người gọi là "thần y" chữa khỏi bệnh câm, điếc

Lương y Võ Hoàng Yên (SN 1975, ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), khi chưa bị vợ chồng ông Dũng “lò vôi” tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, được nhiều người ví như “thần y” trong lĩnh vực xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh bại liệt, câm điếc. Năm 2011, ông Võ Hoàng Yên còn được tỉnh Hà Tĩnh mời về chữa bệnh tại Hội Đông y Hà Tĩnh. Tuy nhiên, cơ sở này chỉ hoạt động được hơn 1 năm, sau đó bị bỏ phế hoang tàn…

“Táng” tai chữa điếc, rút lưỡi khỏi câm

Ngày 2/3, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng đã có buổi đối chất với ông Võ Hoàng Yên tại hội sở Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam (Q.6, TP.HCM). Ông Dũng yêu cầu ông Võ Hoàng Yên giao Hưng An Tự (ngôi chùa do vợ chồng bà Hằng phát tâm xây dựng tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) để Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam quản lý.

Tại buổi đối chất này, ông Dũng cho rằng vị lương y Võ Hoàng Yên có nhiều vấn đề nghi ngờ như không có bằng cấp; bán phiếu chữa bệnh, cũng như việc thực hiện từ thiện cũng có nhiều khuất tất, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông.

Ngoài ra, ông Huỳnh Uy Dũng còn khẳng định, các clip quay cảnh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh thành công chỉ là “đóng phim”.

Để tìm hiểu phương pháp chữa bệnh của ông Yên, PV đã liên hệ một số người bệnh được ông điều trị. Những người này cho rằng, sau khi được ông Yên và cộng sự của ông điều trị đều không khỏi bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thông, người từng điều trị ở cơ sở ông Yên, phẫn nộ: “Tôi cũng là bệnh nhân, nghe ông về tỉnh lân cận khám bệnh, cũng ôm bao nhiêu hy vọng mà tìm sang. Chầu chực cả đêm đến sáng thì được cộng sự của ông chữa trị.

Cách điều trị của nhóm ông cũng rất lạ lùng, câm thì nắm lưỡi mà kéo ra, đến người trưởng thành còn khóc thét thì trẻ em làm sao mà chịu thấu. Tôi bị điếc, được cộng sự của ông Yên chữa trị bằng cách “táng” vào lỗ tai, táng chứ không phải vỗ. Khám xong, nhóm này kết luận đợi tháng sau ông Yên đi một vòng rồi quay về đấy điều trị lại. Lặn lội cả trăm cây số, thức trắng cả đêm rồi điếc vẫn hoàn điếc, tệ hơn là 2 lỗ tai tôi bị “táng” nó nhức suốt mấy ngày mới hết”.

Chị Phạm Thu Hồng (ngụ Quảng Nam), từng đến phòng khám của ông Yên, bức xúc, kể: "Năm 2019 tôi có nghe “thần y” Yên về thị trấn Nam Phước điều trị, tôi nuôi hy vọng sẽ có cơ hội điều trị cho con tôi bị điếc từ nhỏ được trở lại như người bình thường hoặc nếu không khỏi bệnh hoàn toàn thì cháu cũng sẽ gọi một tiếng mẹ.

Tôi đến phòng khám, lúc đó người đông nghịt, chờ số thứ tự là 12 nhưng tôi đợi từ sáng đến chiều, đợi mãi nhưng phòng khám bệnh vẫn đóng kín mít, trong phòng bật loa to cứ vọng ra ngoài âm thanh số 1, 2, 3… Đợi đến 2h chiều có có 1 người bị câm bước ra, người thân hỏi gì đó bằng khẩu hình miệng và người đó gật đầu như mổ thóc. Tôi lại tiếp tục chờ, nhưng tới 3h chiều thì “thần y” tuyên bố ngày mai khám tiếp, tới mai đến thì phòng khám của “thần y” bốc hơi, để lại một dòng người dài xếp hàng chờ…".

“Tôi mong cơ quan chức năng làm rõ việc ông Yên chữa bệnh như thế nào, để cho người dân được biết bởi vì nhiều nạn nhân phẫn nộ việc ông lợi dụng niềm tin của các bậc cha mẹ có con bị dị tật để tạo nên danh tiếng cho ông”, chị Hồng nói.

Chữa bệnh mơ hồ, chưa ai kiểm chứng…

Liên quan đến “thần y” Võ Hoàng Yên chữa khỏi bệnh bằng phương pháp sờ nắn, xoa bóp, lương y Vương Văn Liêu, Phó giám đốc Trung tâm dưỡng sinh của Viện nghiên cứu Việt Nam và ứng dụng tiềm năng con người cho rằng, xét về khoa học, trong bấm huyệt đều có khả năng chữa bệnh dị tật nhưng không có ai làm trong 5 phút có thể chữa thủng màng nhĩ, chữa điếc, khỏi câm.

Ở Việt Nam, phương pháp chữa bệnh đông y là có nhưng “thần y” như vậy là không thể. Chẳng hạn, trong đông y có thể điều trị chữa bệnh bại liệt nhưng cần điều trị lâu dài và cơ thể người bệnh đủ khí huyết lưu thông. Bệnh bại liệt với thân cơ mềm nguội, không có khí huyết làm sao có thể chỉ điều trị trong chốc lát mà chữa khỏi được.

“Tôi đã gặp nhiều nhân chứng ở Việt Trì từng được ông Yên chữa trị câm bằng phương pháp rút lưỡi nhưng các bệnh nhân này đều không khỏi. Ở Hà Tĩnh, cũng nhiều bệnh nhân chữa trị mà chưa khỏi.

Hiện nay Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên ở Hà Tĩnh đã trở nên hoang tàn, thấy cảnh này mà xót xa. Trung tâm được đầu tư quy mô, bài bản nhưng chỉ hoạt động có hơn 1 năm. Nếu Trung tâm này muốn làm từ thiện cứu người thì duy trì chữa bệnh ở đó sao phải dời đi ?", ông Liêu nói.

Cũng theo ông Liêu, nếu mình giỏi thật sự thì không cần đi đâu, ở ngay trụ sở làm sau đó bà con, bá tánh khắp nơi sẽ kéo đến chữa bệnh. Không cần phải lúc chỗ này, chỗ kia, lúc ẩn lúc hiện…

Vợ chồng ông Dũng "lò vôi" tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Vợ chồng ông Dũng "lò vôi" tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

“Đối với những trường hợp bị điếc bẩm sinh mà bấm huyệt thì rất khó khỏi vì các dây thần kinh đã liệt hết rồi. Nhưng những người mới bị, bị nhẹ như trúng gió, á khẩu thì phương pháp chữa bệnh bấm huyệt là có cơ sở”, ông Phạm Khiết, người chuyên bấm huyệt giúp người nghèo chia sẻ.

Trong khi đó, TS - BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho rằng, khám chữa bệnh về mặt đông y với phương pháp bấm huyệt là có hiệu quả nhưng phải chứng minh được. Tại các bệnh viên đông y, điều trị bệnh phải có liệu trình kéo dài, mới có kết quả tốt được.

“Riêng về điếc, câm mà bấm huyệt một vài lần có thể khỏi thì tôi không tin nếu không chứng kiến thực tế, có kết quả cụ thể chứng minh. Phương pháp điều trị điếc bẩm sinh rất phức tạp, nhiều trường hợp y học hiện nay bất lực. Do đó, việc xoa bóp, bấm huyệt, vỗ vào tai có thể chữa lành điếc là không có cơ sở”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, để làm rõ điều này cần có cơ quan chức năng điều tra, tìm hiểu xác minh lại với những người được chữa khỏi bệnh hay chưa khỏi hiện nay như thế nào. Tìm hiểu những người có phải là đóng giả bệnh nhân để “lăng xê” ông Yên hay không.

Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Yên được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh y học cổ truyền, từ tháng 11/2018. Với chứng chỉ này, ông Yên chỉ được giúp việc chuyên môn, chưa đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động tại các phòng khám.

Hiện tại, ngoài phòng khám tại Hưng An Tự, ông Võ Hoàng Yên còn đăng ký khám bệnh tại phòng thuốc nam Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự ở thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.

Ông Nguyễn Bửu, Chủ tịch Hội Đông y huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cũng cho biết: “Do chưa đủ điều kiện chuyên môn nên ông Yên chỉ lâu lâu mới về phòng khám để phụ bấm huyệt cho bà con. Bình quân mỗi ngày có hơn 100 người đến Hưng An Tự khám, bốc thuốc, trong đó đa phần là người ngoài địa phương”.

Trước đó, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật và Hội Đông y tỉnh Bình Phước cũng đã tổ chức hội thảo về phương pháp chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên. Hội này cho rằng, phương pháp xoa bóp, bấm huyện để chữa trị phục hồi chức năng cho người câm điếc, bại liệt và thoái hóa cột sống của ông Yên tại chùa Quang Minh chỉ chuyển biến nhẹ mà không khỏi. Đến nay, Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẳng định ông Yên chưa được cấp phép chữa bệnh trên địa bàn.

Nguồn: [Link nguồn]

Thực hư tay nghề của “thần y” Võ Hoàng Yên

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận khẳng định ông Võ Hoàng Yên chưa đủ điều kiện mở phòng khám chữa bệnh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Loan ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN