Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 2

Những ngày đầu tháng 6, sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới gặp được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) vì công việc của anh bận rộn triền miên.

Mái tóc ngắn với những sợi lấm tấm bạc, khuôn mặt lộ rõ sự mệt mỏi sau nhiều ngày liên tục anh phải chiến đấu với “giặc” COVID-19. Một bác sĩ tuyến đầu như anh Cấp, chưa một ngày anh an tâm khi dịch chưa tan.

Mở đầu câu chuyện, bác sĩ Cấp chia sẻ: “Về cơ bản, Việt Nam đã khống chế dịch rất tốt. Tuy nhiên, không thể chủ quan khi trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp trốn về từ nước ngoài qua đường biên giới, đi lại khắp nơi nên hoàn toàn có thể xuất hiện các ổ dịch mới”.

Nhớ lại những ngày đầu tiên chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Cấp thở dài. Quá nhiều áp lực đè nặng lên anh trong những ngày tháng ấy.

Đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý, khi anh và cả gia đình về quê ăn Tết thì nhận được tin thông báo về những ca dương tính đầu tiên. Bỏ lại bữa cơm sum vầy ngày Tết, anh phải lên Hà Nội gấp.

Bốn ngày sau đó, khi các bệnh nhân nhập viện điều trị, bác sĩ Cấp là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân. Và từ đó, anh biết mình đã trở thành F1 – người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính. Dù vậy, với tâm thế của một người làm nghề lâu năm, anh vẫn vững tâm để chiến đấu cùng các đồng nghiệp và bệnh nhân.

“Giai đoạn đầu, do dịch xảy ra vào dịp Tết, các cơ sở cung ứng vật tư dịch vụ đang nghỉ nên vật tư thiếu thốn. Có hôm do phải sử dụng quá nhiều khẩu trang N95, kho dự trữ của chúng tôi gần cạn, liên hệ các nhà cung cấp thì nhân viên đang nghỉ Tết, nhiều người về quê xa chưa thể lên ngay. Trong tình thế cấp bách, tôi phải sang xin Viện Dịch tễ Trung ương san sẻ, hỗ trợ khẩn cấp được 50 chiếc, đủ để cầm cự đến khi thủ kho của nhà cung cấp từ quê lên Hà Nội mở kho xuất hàng.

Còn về điều trị, những bệnh nhân đầu tiên về từ Vũ Hán (Trung Quốc) đa số là những công nhân trẻ nên sức khỏe tốt, không có diễn biến nặng. Sang đợt 2 của dịch, nhiều bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền nên diễn biến rất phức tạp. Trong số những ca nặng, có 2 người diễn biến rất nhanh, trưa bệnh nhân vẫn tỉnh táo, giao tiếp được nhưng đến chiều tối, đã rơi vào trạng thái nguy kịch. Do chưa có kinh nghiệm về bệnh này nên mọi người khá lúng túng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 4

Lúc ấy, phác đồ điều trị cũng chưa thống nhất vì mọi thứ về COVID-19 còn rất mơ hồ, thiếu thông tin. Từ ca bệnh nặng thứ 3 trở đi, chúng tôi đã rút được kinh nghiệm, không còn bị động. Và chúng tôi đã có những thay đổi về chiến lược điều trị cho phù hợp với đặc điểm bệnh lý của COVID-19, cũng như thay đổi về chiến lược dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Đến ca bệnh nặng thứ 6 trở đi thì chúng tôi đã khá tự tin, linh động trong điều trị để phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân. Nhờ vậy, 8 bệnh nhân nặng tiếp theo, dù có diễn biến hết sức phức tạp nhưng chúng tôi đã chữa trị thành công, không bệnh nhân nào nguy kịch đến mức phải chạy ECMO”, bác sĩ Cấp cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 5

Bỏ qua một cái Tết không trọn vẹn bên gia đình, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp căng sức chiến đấu với COVID-19 khi số lượng các bệnh nhân liên tục tăng lên. Có lẽ, chính anh cũng không ngờ phải xa gia đình lâu đến như vậy, dù anh làm việc cách nhà chẳng bao xa.

Bỏ qua một cái Tết không trọn vẹn bên gia đình, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp căng sức chiến đấu với COVID-19 khi số lượng các bệnh nhân liên tục tăng lên. Có lẽ, chính anh cũng không ngờ phải xa gia đình lâu đến như vậy, dù anh làm việc cách nhà chẳng bao xa.

May mắn thay, vợ anh Cấp cũng làm nghề y, nên chị rất hiểu và thông cảm cho chồng. Những chia sẻ, động viên cùng sự lo toan chu đáo cho gia đình của chị là điểm tựa vững chắc để anh hết lòng vì công việc.

Khi chúng tôi hỏi, ngần ấy thời gian không về nhà, các con anh chắc nhớ bố lắm? Chúng có thường xuyên gọi điện cho anh không? Anh cười nhẹ nhưng đầy chua chát: “Chúng nó quen rồi!”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 6

Gần 2 tháng làm việc liên tục với cường độ cao, đến khi bệnh nhân 16 (quê Vĩnh Phúc) – người cuối cùng của giai đoạn lây nhiễm 1 ra viện (26/2), anh Cấp mới được trở về nhà thăm gia đình, tất nhiên là sau khi đã cách ly đủ 14 ngày theo quy định.

Thế nhưng lần trở về nhà ấy chẳng khác nào một chuyến viếng thăm, vì chỉ 1-2 ngày sau, anh lại được lệnh quay lại viện để bước vào cuộc chiến giai đoạn 2 khi bệnh nhân 17 được xác định dương tính.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 7

Cho đến bây giờ ngồi nghĩ lại, bác sĩ Cấp vẫn cho rằng, mình là người may mắn. Dù dịch bệnh đã xâm nhập vào Việt Nam nhưng so với các nước trên thế giới, ngành y nước ta chưa bị quá tải, thiết bị vật tư y tế không quá thiếu thốn. Bên cạnh đó là sự vào cuộc đồng loạt của hệ thống chính trị… Đó đều là những tiền đề để các y, bác sĩ vững tâm và hết mình cống hiến.

“Tôi thực sự phải gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người dân đã chấp hành tốt các quy định cách ly, các cơ quan kiểm soát biên giới, lực lượng công an, bộ đội, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã vào cuộc cùng ngành y để chiến đấu lại với COVID-19.

Trong thời điểm dịch hoành hành, cách ly xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra làm công tác thiện nguyện, phát gạo, phát khẩu trang miễn phí cho người dân, đó là những nghĩa cử cao đẹp. Hay thời điểm đầu dịch, thấy chúng tôi phải làm cả Tết, có người không quản ngại mang bánh chưng đến tận viện cho chúng tôi ăn. Thực sự là chứng kiến tình cảm đó rất xúc động. Dịch bệnh đã làm lan tỏa yêu thương”, bác sĩ Cấp tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 8
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 9

Còn đối với các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi đứng chung một chiến hào, họ trở thành những người đồng chí, đồng đội thực thụ để cùng nhau chiến đấu với “giặc” COVID-19. Chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi… có lẽ phải sống trong tình cảnh đầy hiểm nguy ấy, người ta mới thấu hiểu được.

Có người từ bác sĩ, nay phải kiêm thêm cả “nghề” cắt tóc. Chẳng là, do phải ở viện quá lâu trong thời điểm dịch nên không được ra ngoài, các bác sĩ phải tự cắt tóc cho nhau. Những kiểu tóc tuy không đẹp nhưng đó lại là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghề của các y, bác sĩ.

“Chúng tôi mua chiếc tông đơ về rồi anh em bảo nhau cắt, cứ húi cua hết cho nhanh, chẳng cần kiểu dáng gì. Cắt như thế vừa mát, lại vừa thoáng đầu, bớt bí bách khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ”, anh Cấp tươi cười nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 10

Trong thời điểm cam go nhất của dịch bệnh, có không ít fake news (tin giả, tin nhảm) trên mạng xã hội khiến cho tình hình thêm rối ren.

Những thông tin sai sự thật gây nhiễu loạn trong quần chúng nhân dân. Trong khi cả thế giới chưa tìm ra cách chữa trị thì nhiều người lên mạng xã hội tung những tin đồn thất thiệt. Có người còn đồn uống nước tiểu có thể phòng ngừa và chữa trị COVID-19…

“Có lần, khoảng 20-30 người kéo đến bệnh viện vì lo lắng sau khi đọc được những tin nhảm trên mạng xã hội. Họ đến thì chúng tôi phải bố trí người giải thích sao cho họ hiểu, ra về mà không hoang mang. Rõ ràng, khi chúng tôi phải phân tán lực lượng thì các bệnh nhân sẽ không nhận được sự chăm sóc tương xứng.

Thậm chí, không ít đối tượng còn có hành động chống phá, gẫy nhiễu, cố tình đến bệnh viện gây hấn với y, bác sĩ để quay clip. Họ chỉ chờ một phản ứng không phù hợp của chúng tôi là sẽ có clip nhiều view, nhiều like. Tôi thấy ngao ngán luôn, đặc biệt là trong tình hình chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần bình thường để chống dịch”, bác sĩ Cấp kể lại.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị của một bộ phận không nhỏ cộng đồng người cũng làm cho cuộc chiến chống COVID-19 thêm phần khó khăn. Theo bác sĩ Cấp, càng kỳ thị, người bệnh sẽ có tâm lý sợ bị cách ly, sợ cộng đồng xa lánh nên không dám đi khám, thậm chí có trường hợp giấu bệnh sẽ gây ra các ổ dịch khó kiểm soát.

Đối với nhân viên y tế, sự kỳ thị đã khiến một số người sau kỳ nghỉ Tết bỗng trở thành người “vô gia cư” do chủ nhà trọ không cho thuê nữa. Trong khi phải căng mình vì dịch bệnh, nay lại lo chỗ ở quả là một điều hết sức khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – “Chiến binh” tuyến đầu chống COVID-19:  “Đó là những ngày tháng không thể nào quên” - 12

Khi được hỏi, phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, anh có lo sợ mình sẽ trở thành F0 không?, BS Cấp bộc bạch: “Bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Chẳng có thầy thuốc nào không lo ngại điều đó cả, dù về mặt biện pháp bảo vệ ai cũng biết. Nếu số lượng bệnh nhân ở mức độ vừa phải, mọi người có thể tuân thủ việc tự bảo vệ bản thân. Nhưng như tại Vũ Hán, khi lượng bệnh nhân quá tải, các bác sĩ kiệt sức, có thể sẽ không thể tuân thủ hết các bước an toàn. Chỉ cần một chi tiết nhỏ nhất là cởi bỏ cái găng tay cũng phải tuân thủ quy trình của Tổ chức Y tế Thế giới ban hành nếu không nhân viên y tế cũng rất dễ lây bệnh”.

Mặc dù làm việc trong điều kiện mà mọi khó khăn bủa vây, thế nhưng bác sĩ Cấp hay các y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chưa khi nào nản chí. Càng khó khăn, họ càng mạnh mẽ bởi họ biết, họ đang mang trên mình sứ mệnh cao cả, đó là mang lại sự sống cho bệnh nhân, sự bình yên cho Tổ quốc mà trong đó có cả gia đình, họ hàng và người thân của họ.

“Tôi coi cuộc chiến với dịch COVID-19 là một giai đoạn lịch sử, như một trải nghiệm làm nghề và cuộc đời. Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời làm bác sĩ”, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.

 

Ảnh & Bài viết: Triệu Quang, Diệu Thu

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Hai, ngày 15/06/2020 00:30 AM (GMT+7)
Theo Diệu Thu - Triệu Quang ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN