Vụ bác sĩ mắc Covid-19 ở Đồng Nai: Tiếp xúc trước những lần "âm tính" thì không lo
Chuyên gia khẳng định chỉ cần người từng là F1 của một bệnh nhân Covid-19 có xét nghiệm âm tính lần 1 sau khi cách ly, F2 sẽ trở về trạng thái bình thường. Nếu sau này người từng là "F2" dương tính thì phải truy nguồn lây khác.
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 5-8, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, phân tích các vấn đề cần lưu ý khi có hiện tượng 1 người từng là F1, tức người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19, âm tính trong những lần xét nghiệm đầu tiên sau khi bị cách ly, sau đó chuyển sang dương tính.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một buổi giao lưu trực tuyến trước đây của Báo Người Lao Động. Ảnh: TẤN THẠNH
Thời gian vừa qua, TP HCM cũng như nhiều địa phương khác không chỉ áp dụng xét nghiệm real time PCR truy tìm virus SARS-CoV-2 để xác định bệnh nhân Covid-19, mà còn thực hiện các xét nghiệm mang tính sàng lọc.
Khi một bệnh nhân Covid-19 mới được xác định, các F1 sẽ được đưa đi cách ly tập trung, F2 (người tiếp xúc với F1) sẽ được yêu cầu cách ly tại nhà. F1 sau đó sẽ được xét nghiệm ngay sau khi được cách ly, nếu lần xét nghiệm này âm tính thì F2 có thể yên tâm vì "âm tính" tức là cho tới thời điểm bị cách ly, họ chưa thể lây cho F2 nào, dù sau F1 đó có phát bệnh hay không. F2 đương nhiên được trở về trạng thái bình thường.
BS Khanh giải thích rằng không có chuyện virus đi vào cơ thể người này rồi lây liền sang cho người khác. Nó cần có thời gian nhân lên đủ để gây bệnh thực sự và phát tán. Khi PCR còn "âm tính", nghĩa là người đó chưa nhiễm virus hoặc đã nhiễm rồi nhưng chưa đến giai đoạn phát tán được virus, chưa lây cho ai. Khi kết quả PCR cho thấy "dương tính" mới là lúc họ bắt đầu phát tán virus, cho dù lúc đó họ chưa có các triệu chứng như ho, sốt...
Vì vậy, theo BS Khanh, những ca như trường hợp một bác sĩ ở Đồng Nai mắc Covid-19 (bệnh nhân 669), 2 lần xét nghiệm âm tính sau khi cách ly, rồi dương tính trong lần xét nghiệm thứ 3 ngày 3-8, thì có thể khẳng định những người tiếp xúc với bác sĩ này trước khi bị cách ly vẫn an toàn, vì cho đến thời điểm xét nghiệm âm tính lần cuối, bệnh nhân này vẫn chưa phát tán virus, mà lúc này đã được cách ly.
Một điều quan trọng khác là nếu sau này, trong số những người từng tiếp xúc với bệnh nhân 669 trước khi bị cách ly mà phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, thì là lây từ nguồn khác. Lúc đó, phải đi truy tìm nguồn lây khác chứ không nhớ tới và bàn tới nguồn cũ làm gì.
Bệnh nhân 669 là một bác sĩ ở Đồng Nai. Trước đó, khi vợ người này là bệnh nhân 595 được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2, ông đã được tính là F1 (tiếp xúc gần), được cách ly theo dõi. Kết quả xét nghiệm lần 1 và lần 2 của bệnh nhân 669 đều âm tính (lần âm tính sau cùng là 1-8), sau đó ông tiếp tục được lấy mẫu vào ngày 3-8 và lần này đã dương tính. Trước khi bị cách ly (ngày 27-7), ông có tiếp xúc nhiều người, trong đó có một số bác sĩ ở TP HCM, nên nhiều người lo lắng khi ông được công bố là bệnh nhân số 669.
BS Trương Hữu Khanh cũng đề xuất rằng khi thông báo ca mới, các cơ quan chức năng nên thông báo rõ khả năng ca này quản lý được lây lan trong cộng đồng hay chưa, ví dụ đã cách ly, chuyển dương ra sao khi cách ly.
Hơn 400 người là F1, F2 của bệnh nhân COVID-19 số 669 và là bác sĩ tại khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai).
Nguồn: [Link nguồn]