Bác sĩ giỏi tham gia dự án tại Bình Thuận sẽ hưởng lương 80 triệu đồng/tháng
Bác sĩ nội trú; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II về Bình Thuận công tác sẽ được hưởng một lần từ 700-800 triệu đồng.
Ngày 10-10, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã khai mạc kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét, quyết định 12 nội dung quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng trong đó có Nghị quyết về đãi ngộ bác sĩ về tỉnh công tác. Ảnh ĐH.
Theo đó, các đại biểu sẽ xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cạnh đó, kỳ họp lần này còn thông qua các chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh. Trong đó có Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế trên địa bàn tỉnh.
124 bác sĩ đã bỏ việc
Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận, kết quả đào tạo bác sĩ từ năm 2012 đến nay còn ít. Số lượng bác sĩ thu hút về tỉnh công tác còn hạn chế, trong khi đó số lượng bác sĩ nghỉ việc theo nguyện vọng nhiều (từ năm 2012 đến nay, tổng số bác sĩ nghỉ việc là 124 bác sĩ trong đó có 37 bác sĩ được tỉnh cử đi đào tạo) nên nguồn nhân lực trong khu vực công hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Công tác đào tạo, thu hút nhân lực y tế chưa đạt được những kết quả mong muốn do nhiều nguyên nhân. Cụ thể Bình Thuận nằm gần với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai,… những địa phương này có nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến Trung ương, có chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút mạnh, môi trường làm việc hấp dẫn, đã thu hút được nguồn nhân lực bác sĩ ở các tỉnh về công tác.
Về đào tạo, chính sách hỗ trợ đào tạo của tỉnh còn thấp so với chính sách hỗ trợ của các tỉnh bạn trong cùng khu vực có điều kiện kinh tế tương đồng, chưa thật sự tạo được động lực học tập.
Có trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để được đào tạo thành bác sĩ, sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề thì đền bù kinh phí, chuyển công tác.
Chính sách thu hút của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn đối với bác sĩ nên số lượng bác sĩ thu hút về công tác tại tỉnh còn hạn chế.
Hiện nay, toàn tỉnh có 949 bác sĩ, trong đó có 713 bác sĩ đang công tác tại 146 đơn vị sự nghiệp y tế công lập và 236 bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y khác và các phòng khám tư nhân.
Hỗ trợ 100% học phí bác sĩ đại học, sau đại học
Để đạt được tỷ lệ 9 bác sĩ/vạn dân theo quy định và với dân số dự kiến vào năm 2025 là 1.283.700 người thì toàn tỉnh cần có 1.156 bác sĩ.
Trên cơ sở thực trạng bác sĩ hiện nay và nhu cầu nhân lực bác sĩ trong giai đoạn tới, tỉnh cần phải điều chỉnh, sửa đổi chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế hiện hành để đáp ứng mục tiêu đề ra.
Các đại biểu tham gia kỳ họp biểu quyết nhiều Nghị quyết cấp thiết, quan trọng. Ảnh PĐ.
Cụ thể, đối tượng áp dụng đào tạo sau đại học đối với viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyên ngành phù hợp để đào tạo bác sĩ; sinh viên được tỉnh cử đi đào tạo bác sĩ nội trú; viên chức các chuyên ngành y tế, sinh viên được tỉnh cử đi đào tạo bác sĩ.
Để thu hút bác sĩ, theo tờ trình, sẽ hỗ trợ 100% tiền học phí. Cụ thể, hỗ trợ chi phí nghiên cứu, học tập: Trình độ tiến sĩ (chuyên khoa cấp II) 220 triệu đồng đồng/học viên/khóa học.
Trình độ thạc sĩ (chuyên khoa cấp I) hỗ trợ 120 triệu đồng/học viên/khóa học.
Hỗ trợ 100% tiền học phí đối với viên chức đào tạo đại học theo hóa đơn, biên lai thu học phí của cơ sở đào tạo hoặc theo hợp đồng đào tạo do cấp có thẩm quyền ký kết. Hỗ trợ nghiên cứu, học tập: 1,5 triệu đồng/tháng thực học.
Hỗ trợ 100% tiền học phí đối với sinh viên theo hợp đồng đào tạo do cấp có thẩm quyền ký kết với cơ sở đào tạo. Hỗ trợ nghiên cứu, học tập: 3 triệu đồng/tháng thực học.
Những trường hợp được hỗ trợ phải có cam kết bằng hợp đồng dân sự công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh trong 10 năm (đủ 120 tháng); ký kết hợp đồng đào tạo giữa cá nhân sinh viên, cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của sinh viên và Sở Y tế.
Trường hợp sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên có nguyện vọng và đủ điều kiện học bác sĩ nội trú, được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục cử đi đào tạo thì thời gian cam kết công tác là 14 năm (đủ 168 tháng).
Đối với bác sĩ được thu hút vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, ngành lao động - thương binh và xã hội, hưởng chế độ thu hút theo một trong hai hình thức.
Trường hợp nhận chế độ một lần, bác sĩ : 600.000.000 đồng; bác sĩ nội trú; bác sĩ trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I: 700.000.000 đồng; bác sĩ trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II: 800.000.000 đồng. Nếu nhận chế độ hằng năm sẽ nhận trong thời gian 10 năm
Đối với chế độ thu hút theo hình thức mời bác sĩ tham gia dự án sẽ được hưởng theo tháng làm việc: 80 triệu đồng/tháng thực tế làm việc; được thanh toán tiền thuê chỗ ở: 1 triệu đồng/ngày thực tế làm việc; được thanh toán chi phí đi lại 1 lượt (đi và về)/ngày thực tế làm việc từ nơi ở đến nơi làm việc theo mức giá xe dịch vụ công cộng hiện hành tại tỉnh.
Trong thời gian thực hiện cam kết, người hưởng chế độ thu hút một lần có năm xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ cộng thêm thời gian cam kết phục vụ tương ứng với số năm xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ.
Người hưởng chế độ thu hút tự ý bỏ việc; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; hai năm liên tiếp xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ; không thực hiện theo sự phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền thì đền bù số tiền thu hút đã nhận…
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ...
Nguồn: [Link nguồn]