Bác lại về với sông núi quê mình...

Bây giờ thì bác có thể về quê vĩnh viễn được rồi phải không bác? Hồn quê luôn ở trong tim bác, nên giờ bác lại trở về, thanh thản giữa hồn quê!

LTS: Nhà báo Trần Hồng Hiếu (Đài PT - TH Quảng Bình) là người em thân thiết của TS Võ Hồng Anh (con gái lớn của tướng Giáp - đã qua đời năm 2009) đã thực hiện phóng sự về "Trở lại mái nhà xưa",Đại tướng Võ Nguyên Giáp - quê hương và những năm tháng yên bình". Cảm động khi nghe tin Đại tướng sẽ về yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương, nhà báo Trần Hồng Hiếu đã gửi tới TS bài viết này.

Bác ra đi khi quê mình lại vừa qua một trận thiên tai kinh hoàng. Biết bao người dân nghèo lại đang gồng mình chống chọi với cái đói, cái rét và cái nghèo cho những ngày tháng còn dài phía trước. Ngày chị Hồng Anh chưa đi xa, có lần chị chuyện trò cùng cháu: “Ba mình luôn thương nhớ quê nhà. Khi tuổi càng cao, sức càng yếu, nỗi nhớ quê càng da diết trong lòng ông cụ. Không ngày nào cụ không bảo con cháu đọc cho cụ nghe những thông tin liên quan đến quê nhà. Mỗi lần nghe tin miền Trung, nghe tin Quảng Bình bị bão lũ, cụ buồn lắm, cụ giục các con, các cháu mau chung tay giúp đỡ bà con qua cơn hoạn nạn. Mình hiểu tình cảm của ba mình dành cho quê hương sâu nặng thế nào nên mỗi lần như vậy, mình rất thương ông cụ”.

Bác ơi, trước khi đi xa, Quảng Bình bão lụt nặng, trái tim có bị nhói đau thêm lần  nữa trước khi ngừng đập mãi mãi?

“Quảng Bình là quê hương tôi, khi nào tôi nhớ quê thì tôi lại về thăm quê thôi”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cháu nhớ lần đầu tiên cháu, một phóng viên nhút nhát ở quê hương Quảng Bình gặp bác là một ngày giữa mùa thu năm 2004... Cháu cùng chị Hồng Anh (cháu và chị đã thân quen nhau trước đó) từ trên gác đi xuống. Hai bác đang ăn cơm, cháu không muốn làm phiền nên định không chào bác thêm lần nữa. Nhưng bác nhìn thấy và vẫy cháu lại gần. Bác bảo ngồi xuống ăn cơm với hai bác. Cháu nói xe đang đợi nên cháu phải đi ngay. Bác nắm tay cháu rất chặt: “Cháu về, cho bác gửi lời thăm bà con mình ở trong đó nghe”. Tay bác ấm áp và ánh mắt bác trìu mến đến mức cháu không muốn buông tay ra một chút nào.

Bác lại về với sông núi quê mình... - 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm mẹ Nghèng sau khi mẹ được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động - Ảnh: Cao Trường Sơn

Có lần cháu tự hỏi: Lần đầu được gặp bác, cháu chỉ là một phóng viên còn non nớt cả tuổi đời và tuổi nghề, sao bác lại ân cần, bao dung với cháu như thế? Rồi cháu đã tự tìm được câu trẻ lời: vì bác yêu quê, bác nhìn thấy cháu, như nhìn thấy đứa cháu nhỏ nơi quê nhà.  Bây giờ cháu càng hiểu chính cái cách bác trao đổi đã giúp cháu tự tin hơn khi làm nghề. Bác hóm hỉnh: “Cháu muốn làm phim về bác như thế nào, muốn bác diễn ra sao thì cứ nói, hôm nay, bác làm theo ý đạo diễn”. Cháu cũng bắt chước theo giọng cười đùa của bác: “Mọi ngày bác làm gì, làm như thế nào và bác thích làm gì thêm cho cháu quay phim thì bác cứ làm như thế, cháu quay y như bác đã làm”.  Câu trả lời của bác ôn tồn và rất đúng chất giọng Quảng Bình khiến cháu thấy bác thật gần gũi: “Nhưng khi mô xong cảnh thì hô cắt để bác dừng nghe”.

Thế là chúng cháu quay được những cảnh mà chị Hồng Anh đùa rằng chưa có ai quay được như thế. Đó là những hình ảnh dung dị, nhưng rất đầm ấm của bác bên gia đình. Cháu thích hình ảnh bác cười rất tươi khi bế cậu con trai vừa mới chào đời được ít tháng của anh Võ Điện Biên, con trai bác.

“Bác ơi, trước khi đi xa, Quảng Bình bão lụt nặng, trái tim có bị nhói đau thêm lần  nữa trước khi ngừng đập mãi mãi?”

Trần Hồng Hiếu

Ngày sinh nhật bác, cháu và các đồng nghiệp đã chọn những hình ảnh mà chúng cháu nghĩ là đẹp nhất trong những lần bác về thăm quê để tặng bác và tặng các khản giả Quảng Bình thân yêu, những người mà chúng cháu biết vô cùng kính yêu bác. Đó là hình ảnh bác đứng trên thuyền xuôi dòng Kiến Giang xem trai gái Lệ Thủy bơi thuyền trong ngày Quốc khánh 2/9; là cảnh bác gặp lại người bạn thuở thiếu thời; là đêm trăng bác cùng các con ngồi bên thềm nhà ở quê An Xá uống nước dừa; là cảnh bác vỗ tay hát hò khoan cùng đội văn nghệ xã; là bên bãi biển Nhật Lệ, bác với mẹ Nghèng (người mẹ anh hùng 40 năm trồng cây chắn cát) hai mái đầu bạc trắng đang chụm lại cùng tưới cho những mầm cây phi lao xanh non. Và hình ảnh mà cháu cứ muốn ngắm đi ngắm lại mãi, đó là bác nằm trên cánh võng giữa rừng phi lao xanh ngắt, biển hát rì rào, rừng phi lao vi vu… và gương mặt bác, nụ cười của bác vô cùng thanh thản, yên bình.

Cháu đọc nhiều về bác, nghe kể nhiều về bác, lại may mắn được gặp bác nên cháu thương bác như người cháu thương người ông ruột thịt của mình. Bác đã đi qua bao cuộc chiến chinh, mất còn; đã đau biết bao nỗi đau của đất nước, nhân dân khi mất đi những người con thân yêu. Trái tim bác cũng đã biết bao nhiêu lần đau đớn cho những mất mát sau hòa bình. Cháu như đứa cháu nhỏ chỉ mong cho ông mình có những giây phút thật bình yên. Và cháu mạo muội nghĩ mình cảm nhận được rằng chỉ khi trở về quê nhà, về với nơi bác cất tiếng khóc chào đời thì bác mới có những giây phút thanh thản, bình yên quý giá sau bao chặng đường gian truân của một vị tướng hết lòng vì dân, vì nước.

Bác kể: “Ra đi trên dòng sông này, làm sao mà có thể quên được sông núi hiền hòa của quê hương. Sông Kiến Giang, núi Đầu Mâu, phá Hạc Hải và con đường độc đạo xuyên qua núi rừng Trường Sơn hùng vĩ… Làm sao có thể quên ngôi nhà của ông bà để lại. Thưở nhỏ, đêm nằm nghe mẹ ngâm vè thất thủ Kinh Đô, nghe cha kể chuyện Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi đánh Tây mà thấy thương nước, thương dân… Có thể nói quê hương, gia đình đã hun đúc nên tình cảm trong tôi, quyết định con đường đi của tôi…”

Cháu nhớ, lần chia tay ở đèo Ngang, bác đã cười mà trả lời phóng viên rằng: “Tôi có phải trai gái đâu mà hò hẹn, Quảng Bình là quê hương tôi, khi nào tôi nhớ quê thì tôi lại về thăm quê thôi”.

Bác ơi, tuổi cao sức yếu nên lâu rồi bác không về thăm quê được, chắc bác nhớ quê và lo cho quê mình còn ghèo nhiều lắm nhỉ?

Bây giờ thì bác có thể về quê vĩnh viễn được rồi phải không bác? Hồn quê luôn ở trong tim bác, nên giờ bác lại trở về, thanh thản giữa hồn quê!

Chị Hồng Anh nói: “Với ba mình, tình yêu quê hương đã hòa vào tình yêu đất nước. Nếu nhân dân Quảng Bình hiểu được tình cảm trong lòng ba mình thì cũng như mình, sẽ thấy càng thương ông cụ”. Chị Hồng Anh ơi!  Một người bạn vừa nhắn cho em: “Đã biết rồi sẽ đến thời khắc “Cụ” phải ra đi, sao thấy lòng vẫn chông chênh, thao thiết như vừa mất một người tri kỉ”. Cũng như em, như người bạn của em, hơn 80 vạn con dân Quảng Bình sẽ thấu hiểu nỗi lòng của Đại tướng, vì với Quảng Bình, anh Văn, bác Văn là niềm tin, là ngọn lửa ấm áp trong mỗi gia đình bao nhiêu năm qua và sẽ là mãi mãi!

Bác ơi, suốt cuộc đời mình, bác đã “Dĩ công vi thượng” như lời cụ Hồ đã chia sẻ với bác trong một đêm đông giữa núi rừng Pắc Bó. Bác sẽ lại về với sông núi quê hương, nghe nước Kiến Giang êm đềm chảy, nghe nhịp chèo khua theo điệu hò khoan trên sông nước quê hương. Bác sẽ cùng các vị tiền bối của quê hương như Nguyễn Hữu Cảnh, Dương Văn An, Hoàng Hối Khanh… và những người bạn, người em đã cùng bác đi qua hai cuộc chiến chinh đi thăm lại núi bút, non nghiên, rồi lội xuống “ruộng su” (ruộng sâu) Lệ Thủy vui cùng người dân quê hôm sớm. Và lòng bác sẽ thực sự thanh thản.

Cho cháu, đứa cháu nhỏ nơi quê nhà được thắp một nén hương lòng, nhưng không phải để tiễn biệt bác mà để đón Bác trở về an nghỉ trong lòng đất mẹ yêu thương!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hồng Hiếu ([Tên nguồn])
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN