Bắc Kạn: Thất lạc nguồn phóng xạ

Sự kiện: Bắc Kạn

Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết đang trong quá trình phong tỏa để xử lý thu hồi tài sản, sau khi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn phát hiện Nhà máy Xi măng Bắc Kạn (đã dừng hoạt động) bị mất nguồn phóng xạ Cs-137

.

Bắc Kạn: Thất lạc nguồn phóng xạ - 1

Một trong những nguồn phóng xạ từng bị thất lạc ở Việt Nam.

Vụ việc được phát hiện khi công an tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu Cty CP Xi măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ được lưu giữ tại kho chứa của nhà máy về nơi an toàn trước 15/12/2015. Khi lực lượng chức năng liên lạc với ông Đinh Văn Bằng, nguyên Giám đốc Cty CP Xi măng Bắc Kạn thì được biết, không rõ nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất từ khi nào.

Công an tỉnh đang cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của những người liên quan.

Xác nhận với Tiền Phong, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, có nhận được thông tin thất lạc nguồn phóng xạ ở Bắc Kạn và đang phối hợp xử lý. Theo ông Tấn, nguồn phóng xạ thất lạc ở Bắc Kạn là nguồn nhỏ và mức độ nguy hiểm ở mức thấp nhất. Cục đã cung cấp cho địa phương những thiết bị tốt nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Theo thống kê của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Việt Nam có hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra còn 1.867 nguồn không còn sử dụng đang được lưu giữ tại cơ sở hoặc được chuyển đến cơ sở làm dịch vụ để lưu giữ lâu dài. Có thể phân biệt các nguồn phóng xạ theo nhiều tiêu chí khác nhau như loại bức xạ cường độ nguồn phóng xạ.

Theo GS.TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật và Hạt nhân, nguồn phóng xạ dù ở mức độ nào trong trường hợp rút nguồn phóng xạ ra khỏi buồng chì hay uranium bảo vệ thì sự chiếu xạ vào cơ thể dễ dàng xảy ra. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng cấp phép, Cục An toàn Bức xạ, cho biết mặc dù có nhiều nguồn phóng xạ khác nhau nhưng tất cả các nguồn phóng xạ đều có biển cảnh báo là ba cánh quạt màu đen trên nền vàng bên trong hình tam giác. Đây là dấu hiệu nhận dạng riêng của nguồn phóng xạ mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế quy định.

Ông Hùng khuyến cáo, người dân khi nhìn thấy thiết bị có dấu hiệu cảnh báo là nguồn phóng xạ không được rút lõi bên trong ra khỏi thiết bị bảo vệ bên ngoài. Để nguồn phóng xạ càng xa người càng tốt, có thể chôn xuống đất đồng thời báo cho cơ quan chức năng.  

Những sự cố nguồn phóng xạ tại Việt Nam

Ngày 31/10/2002, trong khu vực Cty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin, tỉnh Khánh Hòa, một nhóm ba nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp của Cty TNHH Alpha đang chụp ảnh phóng xạ công nghiệp bằng thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ gamma Ir-192, hoạt độ 42,45 Ci, thì gặp sự cố kẹt nguồn. 

Ngày 23/12/2003, Cty Cổ phần Xi măng Việt Trung (xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) mất nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động clinker. Đến nay, chưa có thông tin công bố tìm lại được nguồn phóng xạ này.

Ngày 17/5/2006, Viện Công nghệ Xạ hiếm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sửa chữa các gian kho tầng 6, nơi chứa nguồn đồng vị phóng xạ, nên chuyển nguồn sang gian bên cạnh dành chỗ cho thi công. Đến 14h ngày 29/5, cơ quan này phát hiện nguồn đồng vị phóng xạ trên bị mất. Nguồn phóng xạ này sau đó được thu hồi.

Cuối tháng 7/2006, Cty Cổ phần Xi măng Sông Đà tháo phần thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng để sửa chữa. Ngày 8/8, phát hiện hộp đựng nguồn phóng xạ trong thiết bị này bị mất. Đến nay, chưa có thông tin thu hồi được.

Tháng 9/2014, Cty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương, tại quận Tân Bình, TPHCM bị mất trộm một nguồn phóng xạ, nhưng sau đó tìm lại được.

Gần đây nhất, tháng 4/2015, nhà máy thép Pomina ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị thất lạc, đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Bắc Kạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN