Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P4)

Ngôi sao sáng rực trên bầu trời chính trị Trung Quốc đã "ngã ngựa" vì bị tay chân thân tín tố cáo tội ác do chính vợ mình gây ra.

Một buổi tối tháng 11/2011, các nhân viên khách sạn hạng sang Lijing Holiday gần thành phố Trùng Khánh phát hiện một xác chết trong phòng. Danh tính nạn nhân được công an Trùng Khánh xác định là Neil Heywood, một doanh nhân người Anh làm ăn ở Trùng Khánh. Cơ quan điều tra Trùng Khánh báo tin cho người vợ Trung Quốc của doanh nhân này và lãnh sự quán Anh ở Trùng Khánh rằng ông này chết là do ngộ độc rượu.

Neil Heywood là người không hề xa lạ gì với gia đình Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Doanh nhân người Anh này đã làm quen với vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai sau khi đến Đại Liên làm ăn vào đầu những năm 1990. Heywood đã từng viết thư cho ông Bạc bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở thành phố Đại Liên, nơi ông Bạc làm Thị trưởng.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P4) - 1

Doanh nhân người Anh Neil Heywood

Khi Bạc Hy Lai được điều về làm Bí thư Trùng Khánh, quan hệ giữa Neil Heywood và gia đình họ Bạc càng thêm khăng khít. Neil Heywood được cho là chiếc cầu nối giữa Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai với những khoản đầu tư cũng như những khoản tiền khổng lồ trong các ngân hàng ở nước ngoài. Đổi lại, Neil Heywood được tạo cơ hội kinh doanh tối đa ở thành phố Trùng Khánh.

Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó, Neil Heywood đã nắm được rất nhiều bí mật “thâm cung bí sử” của gia đình họ Bạc, và rồi mối quan hệ này xuất hiện những rạn nứt do những bất đồng về kinh tế, đặc biệt là giữa Heywood và bà Cốc Khai Lai. Trong bối cảnh đó, Heywood đột nhiên qua đời vì “ngộ độc rượu” trong một căn phòng khách sạn.

Giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân có vẻ không tin vào kết luận “ngộ độc rượu” này của cấp dưới và quyết định tự mình tiến hành điều tra. Là một người từng tốt nghiệp học viện cảnh sát chuyên ngành pháp y, Vương Lập Quân là người rất mê công tác pháp y và có những kiến thức chuyên môn về vấn đề này.

Cùng với một nhóm điều tra viên thân tín của mình, Vương đã âm thầm cho lấy một mẫu da trên tử thi Neil Heywood để làm xét nghiệm ngay trước khi đem đi hỏa táng.

Theo thông tin trên báo chí Trung Quốc, ngày 18/1/2012, Vương Lập Quân đến gặp Bạc Hy Lai để đưa ra kết luận về cái chết của Neil Heywood: đó là do bị đầu độc, mà thủ phạm không ai khác hơn là bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai. Trong phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai vừa diễn ra, Vương Lập Quân khai rằng khi nghe cấp dưới báo cáo như vậy, Bạc Hy Lai đã nổi giận và liên tục đấm vào đầu Vương đến chảy cả máu mồm.

Thế rồi Vương Lập Quân đã nhanh chóng nhận ra hậu quả khủng khiếp của việc chọc giận “ông vua” Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Bề ngoài Bạc Hy Lai vẫn chấp nhận cho “cánh tay phải” của mình Vương Lập Quân mở rộng điều tra, nhưng vị Giám đốc Công an này nhận thấy có điều gì đó không ổn khi các trợ lý và 3 điều tra viên thân tín của mình tự nhiên biến mất một cách khó hiểu.

Đỉnh điểm của sự việc này là khi Bạc Hy Lai quyết định hạ lệnh cách chức Giám đốc Công an Trùng Khánh của Vương Lập Quân. Về lý thuyết, Vương Lập Quân là người đứng đầu lực lượng công an của một thành phố lớn, chịu sự quản lý của Bộ Công an Trung Quốc, và Bạc Hy Lai không có thẩm quyền cách chức ông này. Tuy nhiên, ở Trùng Khánh quyền lực của Bạc Hy Lai là vô biên, và Vương Lập Quân không còn cách nào khác phải chấp hành quyết định này.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P4) - 2

Bạc Hy Lai và "cánh tay phải" Vương Lập Quân

Sau đó, Vương Lập Quân đã đi đến một quyết định làm xoay chuyển cục diện tình hình, một “nước cờ cao” khiến Bạc Hy Lai bất ngờ đến mức không kịp trở tay: Quyết định phơi bày vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, dập tắt ánh hào quang rực rỡ của một “ngôi sao đỏ” đang vươn lên mạnh mẽ trên bầu trời chính trị Trung Quốc.

Ngày 6/2/2012, vị cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh này bí mật đến thành phố Thành Đô thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên cách Trùng Khánh vài trăm cây số. Tin đồn rất nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Weibo: cán bộ công an cấp cao Vương Lập Quân đã chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, Vương Lập Quân đã xin tị nạn tại cơ quan ngoại giao Mỹ ở Thành Đô để tố cáo “sếp” Bạc Hy Lai của mình, và cũng là để tránh đòn thù của Bạc Hy Lai.

Từng tuyên bố rằng mình nắm được tất cả mọi việc và  chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở Trùng Khánh, nhưng Bạc Hy Lai cũng phải thừa nhận rằng ông đã bị bất ngờ trước nước cờ cực kỳ cao tay của Vương Lập Quân. Bạc Hy Lai đã phải thốt lên rằng ông không thể tưởng tượng nổi việc Vương Lập Quân đào tẩu vào lãnh sự quán Mỹ và rằng ông đã “đặt niềm tin vào nhầm người”.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P4) - 3

Bạc Hy Lai đã rất bất ngờ trước nước cờ của Vương Lập Quân

Nước cờ này của Vương Lập Quân đã làm đảo lộn mọi thứ kịch bản cũng như mọi mưu tính của Bạc Hy Lai. Nhà nghiên cứu lịch sử Trùng Khánh Vương Khang từng nhận định: “Cần phải có lòng can đảm vượt bậc và trí thông minh cao độ mới dám làm cái việc chạy vào lãnh sự quán Mỹ. Đây là nước cờ mà không ai có thể tưởng tượng ra nổi.”

Việc Vương Lập Quân trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã làm dấy lên rất nhiều tin đồn khác nhau, còn truyền thông nhà nước Trung Quốc thì cố gắng xoa dịu dư luận bằng cách đưa tin rằng ông Vương đang nghỉ dưỡng vì gặp phải nhiều sức ép trong công việc. Tuy nhiên, bên ngoài tòa lãnh sự quán Mỹ, lực lượng an ninh vây kín và yêu cầu cơ quan ngoại giao này giao nộp Vương Lập Quân.

Sau khi nhận được đảm bảo từ Bắc Kinh là sẽ xử lý vụ việc này và không giao số phận của mình lại cho Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân đã đồng ý để Bộ Công an - cử một Thứ trưởng trực tiếp đến Thành Đô - dẫn giải về Bắc Kinh. Từ đây, số phận Bạc Hy Lai bắt đầu được định đoạt.

Vụ việc này xảy ra đúng thời điểm sắp diễn ra chuyến viếng thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới nước Mỹ, ngay trước thềm Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất của đảng. Đây cũng là dịp để chọn ra các ủy viên thường trực của Bộ Chính trị Trung Quốc, vị trí mà Bạc Hy Lai vẫn luôn mơ ước và tưởng chừng như đã nằm trong tầm với.

Ngày 15/3/2012, Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và đến ngày 10/4, một thông tin chấn động được đưa ra: Bạc Hy Lai bị điều tra nội bộ vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng”, còn vợ ông là bà Cốc Khai Lai chính thức trở thành nghi phạm số một trong vụ sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood. Hai tháng sau, những tay chân thân tín của Bạc Hy Lai trong chính quyền thành phố Trùng Khánh đều bị thẳng tay gạt bỏ.

Một thời gian sau, Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc, bị bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội và bị bắt giam để điều tra các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và lạm quyền. Bà Cốc Khai Lai bị đưa ra xét xử và bị kết án tử hình cho hoãn thi hành án hai năm (thực chất là án chung thân ở Trung Quốc) vì đã sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Vương Lập Quân bị kết án 15 năm tù vì tội bẻ cong luật pháp vì quyền lợi cá nhân, phản bội, lạm quyền, nhận hối lộ.

Về phần mình, Bạc Hy Lai đã bị giam giữ trong suốt hơn một năm trời trước khi được đưa ra xét xử tại Tòa án Trung cấp Tế Nam tuần vừa qua với các cáo buộc lạm quyền, nhận hối lộ và tham nhũng. Phiên tòa xét xử kéo dài suốt 5 ngày với rất nhiều những chi tiết kịch tính này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận Trung Quốc. Sau 5 ngày xét xử, cơ quan công tố đã đề nghị áp dụng mức án “nghiêm khắc” đối với Bạc Hy Lai, tuy nhiên phán quyết cuối cùng nhiều khả năng sẽ được đưa ra vào đầu tháng 9 tới.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P4) - 4

Bạc Hy Lai ra trước tòa nghe xét xử

Rồi đây Bạc Hy Lai sẽ phải nhận lấy bản án của mình, và nhiều người tin rằng đó sẽ là một bản án chung thân cho vị chính trị gia ngã ngựa này. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Vương Khang cho rằng sai lầm đã đẩy Bạc Hy Lai đến kết cục này chính là cách thức tiến thân dựa vào quá khứ của ông. Theo ông, Bạc Hy Lai đã dựa vào lý tưởng của Mao Trạch Đông để phất cao ngọn cờ “xướng hồng” nhằm xây dựng các nấc thang tiến dần lên trong sự nghiệp chính trị.

Thế nhưng theo ông Vương, việc áp dụng “các phương pháp của Mao để giải quyết những vấn đề hiện tại của Trung Quốc là một thảm họa”. Học giả này nhận định, điều đó “chẳng khác nào muốn ám chỉ rằng Trung Quốc cần có một Mao Trạch Đông thứ hai”, biến Bạc Hy Lai trở thành “cái gai” trong mắt các “hoàng tử đỏ” đầy quyền lực khác, và kết cục này của ông là không thể tránh khỏi.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P4) - 5

Những nhân vật làm nên "tấn trò đời" mang tên Bạc Hy Lai

Vị “hoàng tử đỏ” Bạc Hy Lai, vị phu nhân tài năng Cốc Khai Lai, “siêu cảnh sát” Vương Lập Quân và vị doanh nhân giàu có Neil Heywood là những nhân vật trung tâm trong một “tấn trò đời” đầy gay cấn, kịch tính, nói lên rất nhiều điều về xã hội cũng như giới chính trị ở Trung Quốc. Dù phán quyết đối với Bạc Hy Lai được đưa ra tới đây như thế nào đi chăng nữa, chặng đường từ một “hoàng tử đỏ” đến “kẻ tội đồ” của ông sẽ vẫn tiếp tục là một chủ đề thu hút được sự quan tâm của dư luận Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN