Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P2)

Chiến dịch trấn áp tội phạm tham nhũng lớn chưa từng có ở Trùng Khánh và phong trào "nhạc đỏ" đã đưa Bạc Hy Lai thành một ngôi sao chính trị, đồng thời cũng khiến không ít người bất mãn.

Sau khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, thành phố lớn nhất Trung Quốc với số dân hơn 30 triệu người với nền kinh tế phát triển cực kỳ năng động, chính trị gia Bạc Hy Lai phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây chính là cơ hội để ông khẳng định được bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của mình.

Từ hơn 200 năm này, ở thành phố Trùng Khánh đã tồn tại các tổ chức bang hội sống ngoài vòng pháp luật, như Ca Lão hội, Thiên địa hội và Thanh Liên giáo. Các băng nhóm này hoạt động theo kiểu xã hội đen và luôn là đầu mối gây mất an ninh xã hội tại địa phương, với sự tiếp tay của nhiều quan chức trong chính quyền và lực lượng công an.

Trên cương vị là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã mở chiến dịch “đả hắc trừ ác” chuyên tấn công tội phạm có tổ chức và các quan chức tham nhũng. Chiến dịch "đả hắc" lớn chưa từng có này đã đập tan nhiều băng nhóm và khiến các quan chức tham nhũng run rẩy.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P2) - 1

Cương vị Bí thư Trùng Khánh là cơ hội để Bạc Hy Lai thể hiện mình

Trong phong trào "đả hắc" này, Bạc Hy Lai đã cho xây dựng hơn 500 trạm gác và bố trí các cảnh sát mặc đồng phục nhằm tấn công tội phạm có tổ chức và duy trì an ninh, trật tự. Để thực hiện được chiến dịch này, Bạc Hy Lai đã cho vời Vương Lập Quân, một “người hùng” chống tội phạm từng nổi danh ở thành phố Thiết Linh tỉnh Liêu Ninh thời ông Bạc làm tỉnh trưởng, về Trùng Khánh giữ chức Giám đốc Công an thành phố.

Theo số liệu của truyền thông địa phương, chỉ trong 80 ngày sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc công an thành phố Trùng Khánh, Vương Lập Quân đã phá được 32.000 vụ án, bắt giữ 9.500 người và trở thành cánh tay phải đắc lực của Bạc Hy Lai.

Tháng 8/2009, đích thân Vương Lập Quân bắt giữ Văn Cường, cựu Cục trưởng Cục tư pháp thành phố vì tội nhận hối lộ của các tổ chức tội phạm với số tang vật trị giá hơn 6 triệu USD. Văn Cường từng giữ chức Phó giám đốc công an thành phố trong 16 năm. Gần 1 năm sau, Văn Cường bị xử tử hình. Ngoài ra, đến tháng 3/2010, hơn 3.500 cảnh sát khác cũng bị đưa ra xét xử.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P2) - 2

Bạc Hy Lai khen thưởng thành tích chống tội phạm cho Vương Lập Quân

Trùng Khánh không phải là thành phố duy nhất đối mặt với tham nhũng, nên chiến dịch của ông Bạc nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Mặc dù chiến dịch chưa lan rộng sang các địa phương khác, nhưng nó cũng đã biến ông thành một “ngôi sao” nổi bật trên chính trường Trung Quốc, và lúc một chiếc ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị cũng không phải là điều gì quá xa vời với Bạc Hy Lai.

Song song với phong trào “đả hắc”, Bạc Hy Lai còn tìm cách hồi sinh các bài “nhạc đỏ” có từ thời Mao Trạch Đông và “văn hóa đỏ”. Khi phong trào này bắt đầu, Bạc Hy Lai đã cho tổ chức nhiều chương trình biểu diễn các bài hát cách mạng ở các trường học, cơ quan. Các sân khấu được trang hoàng đỏ rực, và người dân thành phố Trùng Khánh vừa hát vừa vẫy lá quốc kỳ trong tay.

Ban đầu, các lãnh đạo cấp cao khi đến thăm Trùng Khánh đã rất ủng hộ phong trào “nhạc đỏ” này. Ông Ngô Bang Quốc, ủy viên thường trực Bộ chính trị, cũng từng ca ngợi phong trào này thể hiện được "niềm tự hào của người dân Trung Quốc"

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P2) - 3

Bạc Hy Lai với phong trào "xướng hồng đả hắc"

Các chiến dịch nói trên cùng với “mô hình phát triển kinh tế Trùng Khánh” chú trọng “lấy của người giàu chia cho người nghèo” và cải thiện các dịch vụ công, đã khiến cho Bạc Hy Lai ngày càng nổi tiếng hơn. Hai thầy trò Bạc Hy Lai – Vương Lập Quân trở thành một “cặp bài trùng” cùng bước lên đỉnh cao danh vọng.

Tuy nhiên, các chiến dịch trấn áp mạnh tay của Vương Lập Quân đã đã khiến không ít người bất mãn, và thứ “văn hóa đỏ” mà Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đang ra sức cổ xúy này khiến người ta nhớ đến thời kỳ “cách mạng văn hóa” đầy cay đắng, và điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong giới chóp bu ở Bắc Kinh. Điều này được thể hiện trong việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhắc đến “cách mạng văn hóa” trong khi phê phán các quan chức Trùng Khánh.

Trong khi đó, báo chí phương Tây lại hết lời ca ngợi “ngôi sao đỏ” đang lên trong chính trường Trung Quốc với một phong cách rất khác. Tờ The Independent của Anh đã từng viết về Bạc Hy Lai rằng: “Khi ông Bạc, vị Bí thư thành ủy đánh mafia ở thành phố Trùng Khánh đến dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, người ta thấy có luồng gió mới của sự thay đổi".

_________________________

Sự nghiệp chính trị tưởng như sắp đạt tới đỉnh cao của Bạc Hy Lai vì đâu "đứt gánh giữa đường", mời bạn đón đọc trong phần 3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN