Bạc Hy Lai lĩnh án nặng vì "thái độ"
Nhiều nhà phân tích cho rằng mức án chung thân "ngoài dự liệu" mà Bạc Hy Lai phải nhận là do thái độ của ông trước tòa.
Niềm hy vọng của chính trị gia ngã ngựa Bạc Hy Lai về “một ngày trở lại huy hoàng” đã tan thành mây khói sau khi ông này bị Tòa án Trung cấp Tế Nam tuyên án tù chung thân và bị vĩnh viễn tước bỏ mọi quyền lợi chính trị.
Hồi tháng trước, nhiều nhà quan sát đã rất ngạc nhiên trước thái độ “ương ngạnh” đến ngang tàng của cựu Ủy viên Bộ Chính trị này trước các cáo buộc nhận hối lộ, tham ô và lạm quyền của tòa án. Nhiều người cho rằng thái độ này thể hiện cho niềm hy vọng của Bạc Hy Lai rằng một ngày nào đó ông sẽ được phục hồi danh dự và quyền lợi chính trị giống như người cha Bạc Nhất Ba của mình sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Bạc Hy Lai vẫn tươi cười khi được đưa đến tòa án
Thế nhưng Bạc Hy Lai đã thua trong canh bạc này, bởi nhiều khả năng thái độ chống đối của ông trước tòa đã khiến cho ông phải nhận mức án nghiêm khắc hơn nhiều người vẫn tưởng. Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Bạc Hy Lai sẽ chỉ phải nhận mức án tối đa là 15 năm tù. Thế nhưng với việc bị tuyên có tội trong cả 3 cáo buộc, Bạc Hy Lai sẽ phải dành cả quãng đời còn lại của mình trong tù, mất hết quyền lợi chính trị và toàn bộ gia sản bị tịch thu.
Chuyên gia phân tích chính trị Willy Lam tại Đại học Hong Kong nhận định: “Bạc Hy Lai đã ngang tàng thể hiện thái độ trước tòa án để bảo vệ di sản của mình. Nhưng rõ ràng là thái độ đó đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình tức giận. Đó là lý do tại sao Bạc Hy Lai bị trừng phạt, vì thái độ của ông ta chứ không phải vì tham nhũng.”
Hôm Chủ nhật, Bạc Hy Lai bước vào tòa án để nghe phán quyết với dáng vẻ tự tin và cao ngạo, thậm chí còn quay đầu mỉm cười với các thành viên trong gia đình. Thế nhưng khi thẩm phán đọc cáo trạng và tuyên án, khuôn mặt ông lộ vẻ đau đớn. Ông bị hai viên cảnh sát cao lớn còng tay và dẫn ra khỏi tòa án.
Khuôn mặt lộ vẻ đau đớn khi nghe tòa tuyên án chung thân
Sau khi bị tuyên án, Bạc Hy Lai có 10 ngày để kháng cáo, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cơ hội thành công của ông là gần như không thể, bởi hình phạt dành cho ông có vẻ như là một “án bỏ túi” được định đoạt bên ngoài tòa án.
Người cha Bạc Nhất Ba của ông bị thanh trừng và phải ngồi tù trong những ngày tháng biến động của cuộc Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông, và sau đó được phục hồi danh dự và nắm giữ chức vụ Phó Thủ tướng. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng lịch sử rất khó lặp lại, và Bạc Hy Lai chắc chắn sẽ phải đối mặt với chặng đường phía trước đầy khó khăn hơn nhiều.
Tuy nhiên, Bạc Hy Lai vẫn được cho là nhận được sự ủng hộ quan trọng của các cán bộ cấp cơ sở, và di sản chính trị của ông được biết đến với cái tên “Mô hình Trùng Khánh” vẫn không bị chỉ trích chính thức.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhận ra rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng trong xã hội Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến đảng Cộng sản Trung Quốc, và ông đã phải phát động chiến dịch chống tham nhũng và xa hoa lãng phí trong các quan chức, đó là lý do các nhà phê bình cho rằng Tập Cận Bình đang ngày càng trở nên chuyên quyền giống như Bạc Hy Lai trước đây.
Nhà phân tích chính trị Li Weidong nhận xét: “Nhìn vào những việc chính phủ đang làm có thể nhận thấy Mô hình Trùng Khánh đang được mở rộng thành Mô hình Trung Quốc. Hai mô hình này có nhiều điểm chung, mặc dù tên tuổi của Bạc Hy Lai không bao giờ được nhắc đến nữa.”
Tuy nhiên trong chính sách của Bạc Hy Lai và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn có những khác biệt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai là người ủng hộ mạnh mẽ mô hình các doanh nghiệp quốc doanh, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình lại thiên về cải cách kinh tế nhằm giảm bớt quyền lực của các doanh nghiệp nhà nước này.
Sau khi Bạc Hy Lai bị tuyên án hôm Chủ nhật, cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối ông này đều chẳng vui vẻ gì, thể hiện sự cân bằng tinh tế mà đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt khi xử lý một trong những quan chức cấp cao nhất của mình.
Một người ủng hộ ông Bạc ở Đại Liên cho biết thành phố này đã không còn như trước kể từ khi Bạc Hy Lai chuyển đi vào năm 2000, đồng thời tuyên bố ông không tin rằng Bạc Hy Lai có tội. Người đàn ông này nói: “Ông ấy bị tù không phải vì tham nhũng mà vì ông đã thua trong một cuộc đấu đá chính trị. Mức án này chẳng có nghĩa lý gì với người dân, vì số lượng các quan chức tham nhũng không hề giảm sút.”
Người dân giấu tên này nói tiếp: “Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai chỉ là một màn kịch, nhưng dù màn kịch đó có hay thế nào đi chăng nữa, cuộc sống của chúng tôi vẫn khó khăn.”
Vụ xét xử và tuyên án Bạc Hy Lai đã bị kiểm duyệt thông tin rất chặt chẽ ở Trung Quốc. Hôm Chủ nhật, cổng thông tin 163.com cho thấy có gần 14.000 bình luận đã được đưa lên sau khi ông Bạc bị tuyên án chung thân, tuy nhiên chưa đầy 500 bình luận được đăng, hầu như tất cả các bình luận này đều ca ngợi bản án của tòa.