Bà Trương Mỹ Lan nói về việc chuyển 6.095 tỷ đồng cho 'Chúa đảo Tuần Châu'
TP HCM - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cho biết 6.095 tỷ đồng chuyển cho hai công ty thuộc tập đoàn của "Chúa đảo Tuần Châu" là tiền của cá nhân bà, không phải của SCB như án sơ thẩm nêu.
Chiều 22/11, bà Trương Mỹ Lan xin tòa trình bày phần tranh luận bổ sung liên quan đến kháng cáo của Công ty Âu Lạc và Công ty T&H Hạ Long (thuộc tập đoàn Tuần Châu, người liên quan) và SCB - bị hại vụ án.
Bà Lan cho biết đã làm việc với ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh (còn gọi là "Chúa đảo Tuần Châu") từ năm 2016 và đã chuyển cho Đào Anh Tuấn (con trai ông Tuyển) cùng hai công ty trên hơn 6.095 tỷ đồng để thực hiện các thỏa thuận hợp tác.
"Số tiền này không liên quan đến SCB mà là tiền của bị cáo", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói, thêm rằng lúc đó bà đã kêu gọi khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài vào để thực hiện hợp tác với Tuần Châu; thuê những đơn vị tư vấn, kiến trúc sư nước ngoài về để nghiên cứu, thiết kế các dự án ở phường Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với mong muốn biến khu vực này thành những công trình "như Dubai".
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Trần Quỳnh
Liên quan đến số tiền chuyển cho Tuần Châu, bản án sơ thẩm xác định, bà Lan chỉ đạo cấp dưới chuyển cho ông Tuấn 3.179 tỷ đồng theo thỏa thuận khung ngày 20/12/2021. Trong đó 1.411 tỷ đồng mua hơn 70% cổ phần của Công ty T&H Hạ Long, còn lại 1.768 tỷ đồng đối trừ vào các khoản bên bà Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.
Ngoài ra, Công ty Âu Lạc và T&H Hạ Long đã nhận 2.916 tỷ đồng từ 5 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Công ty Sunny World, Công ty Vạn Phát, Công ty Hưng Phúc, Công ty Vĩnh Thịnh Phát, Công ty Hải Hà) theo 5 thỏa thuận đặt cọc, chuyển nhượng một phần dự án khu biệt thự Morning Star (243 căn nhà liền kề) và khu biệt thự Hoàng Long với tổng giá trị 5.068 tỷ đồng. Tức, bà Lan còn phải thanh toán cho hai công ty này hơn 2.152 tỷ đồng mới được sở hữu 243 căn nhà liền kề, thuộc dự án khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long.
Theo tòa sơ thẩm, 6.095 tỷ đồng có nguồn gốc từ SCB, nên hai công ty phải trả lại để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án. Để đảm bảo nghĩa vụ của hai công ty, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên hơn 18 triệu cổ phần - hơn 70% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long; 3 bất động sản thuộc sở hữu của công ty này và 8 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc.
Đối với các tài sản hai công ty dùng để bảo đảm cho khoản vay tại SCB, cơ quan cảnh sát điều tra đã ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng, tòa tách ra để các pháp nhân này giải quyết với SCB và các bên liên quan trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
Nói về các giao dịch trên với Tuần Châu, bà Lan cho biết, để kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài, trong nhiều năm qua bà đã dùng tiền của Vạn Thịnh Phát, tiền mượn của bạn bè cho Tập đoàn Tuần Châu mượn để đầu tư làm hạ tầng. Tuy nhiên, do những thủ tục ở Việt Nam chưa xong nên tiền từ nước ngoài chưa chuyển vào.
"Bị cáo khẳng định hơn 6.000 tỷ đồng đã chuyển cho Tập đoàn Tuần Châu là của bị cáo, không phải của SCB", bà Lan lặp lại. "Ngân hàng SCB muốn nói 6.000 tỷ đồng là của mình thì phải có chứng cứ. Còn các tài sản Công ty T&H Hạ Long và Âu Lạc Quảng Ninh đang thế chấp cho SCB là từ ông Đào Anh Tuấn nể ân tình của bị cáo mà cho SCB mượn để tái cơ cấu ngân hàng", bà Lan khai.
Đối với 243 căn nhà liền kề thuộc dự án khu biệt thự Morning Star đang thế chấp cho SCB là có thế chấp cho khoản vay hơn một nghìn tỷ đồng. "Hai tháng trước khi bị cáo bị bắt, ông Tuấn có gọi, nói cho xin lại các sổ đỏ. SCB đừng vì thiếu tiền rồi nói tài sản này là của mình, khi Tuần Châu trả hơn 6.000 tỷ đồng thì phải trả sổ cho người ta chứ không thể giữ lại như vậy", bà Lan nói và đề nghị VKS, HĐXX có biện pháp giải quyết cho phía người liên quan (tức phía Tuần Châu) vì nếu để lâu "sẽ kéo theo nhiều hệ lụy".
Trình bày tại tòa, đại diện của ông Đào Anh Tuấn cho biết ông Tuấn là chủ sở hữu của 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty T&H Hạ Long, hiện các tài sản này nằm trong 1.121 mã tài sản bị kê biên và bản án sơ thẩm tuyên giao cho SCB xử lý.
Do công ty có mối quan hệ làm ăn với bà Lan nên cho SCB mượn nhiều tài sản, trong đó có 8 giấy chứng nhận trên, để tái cơ cấu ngân hàng. Do đó, phía ông Tuấn đề nghị tòa xem xét loại bỏ 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị kê biên ra khỏi vụ án hình sự để cho các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.
Người đại diện của ông Tuấn và hai công ty thuộc Tuần Châu không đồng ý với quan điểm của SCB là giao các tài sản này cho SCB xử lý nợ.
Bà Lan trao đổi với luật sư trong phiên tòa. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Lan cung cấp tài liệu cho rằng số tiền bị cáo buộc tham ô không đúng
Cũng trong phiên tòa chiều nay, bà Lan đã cung cấp cho HĐXX tập tài liệu và trình bày về các số liệu được nêu trong đó. Theo bà, các tài liệu này có giá trị chứng minh các cơ quan tố tụng cáo buộc số tiền bà chiếm đoạt ở tội Tham ô tài sản (304.000 tỷ đồng gốc, gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh) là chưa đúng, có sự chồng lấn giữa giai đoạn trước và sau 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, xác định bà Lan phạm tội Tham ô tài sản - bị tuyên án tử hình, chứ không phải Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng).
Tuy nhiên, phần trình bày của bà Lan với nhiều số liệu "chưa rành mạch, khó hiểu" nên HĐXX cho bà thêm thời gian hai ngày cuối tuần làm việc với luật sư để hệ thống lại, và đề nghị nên để luật sư trình bày thay trong phiên làm việc ngày 25/11.
HĐXX cho biết, để tạo điều kiện cho luật sư và bị cáo Lan có thời gian làm việc với nhau, nhằm làm rõ các con số trong tài liệu mới cung cấp, thì ở những ngày làm việc tiếp theo, HĐXX sẽ cho các luật sư của bị cáo khác tranh luận trước với VKS.
Tòa phúc thẩm cho rằng, để việc tranh luận đối đáp về phần dân sự được liền mạch, đại diện VKS sẽ bắt đầu tranh luận đối đáp vào thứ hai tuần sau.
SCB từ chối cung cấp tài liệu cho VKS
Trước đó, trong phần bào chữa hôm 18/11, bà Lan và các luật sư cho biết vừa được tiếp cận tài liệu mới, phát hiện 125.000 tỷ đồng (trong tổng số 677.000 tỷ đồng bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt) là đã cho vay từ thời SCB (cũ) - trước khi bà Lan tái cơ cấu SCB.
Đại diện VKS sau đó đề nghị SCB cung cấp một số tài liệu nhằm làm rõ các vấn đề: trước khi 3 ngân hàng hợp nhất thì nợ cũ là bao nhiêu; số nợ tại SCB tính đến ngày 31/12/2017 là bao nhiêu; số nợ từ năm 2017 mang sang giai đoạn 2018 là bao nhiêu và trong tổng số dư nợ từ ngày 1/1/2018 đến ngày khởi tố vụ án 7/10/2022 có bao nhiêu khoản vay dùng để đảo nợ, bà Lan rút ra bao nhiêu... Đại diện SCB đồng ý với yêu cầu của VKS.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc chiều 21/11, luật sư bảo vệ quyền lợi cho SCB từ chối không cung cấp với lý do "đã cung cấp cho cơ quan điều tra, VKS trong quá trình điều tra" và đã được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. Hiện, các bị cáo kháng cáo liên quan đến quyền lợi của mình thì sử dụng tài liệu trong hồ sơ.
Các cơ quan tố tụng xác định, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lan được VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại... đề nghị HĐXX giảm từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; y án tử hình đối với tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ.
TP HCM - Bà Trương Mỹ Lan cho rằng vừa được tiếp cận tài liệu mới, phát hiện bị buộc trách nhiệm đối với các khoản vay 125.000 tỷ đồng của khách hàng...
Nguồn: [Link nguồn]