Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo nội dung gì sau khi bị tuyên án tử hình?
Bị tuyên án tử hình, bà Trương Mỹ Lan kháng cáo, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xem xét kháng cáo cho bà Lan và các bị cáo, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan khác có đơn kháng cáo.
Ngày 23/10, TAND cấp cao tại TPHCM đã ban hành quyết định đưa vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 ra xét xử phúc thẩm. Theo đó phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 25/11.
Bà Trương Mỹ Lan tại một phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
HĐXX phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa, cùng các thẩm phán Phạm Công Mười và Lê Thành Long. Đại diện Viện KSND cấp cao tại phiên tòa là ông Võ Phong Lưu, Đặng Quốc Việt và ông Đỗ Phước Trung.
Tham gia phiên tòa phúc thẩm có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan. Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có 5 luật sư bào chữa là Phan Trung Hoài, Giang Hồng Thanh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Minh Hoàng và luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang.
TAND cấp cao tại TPHCM cho biết, phiên tòa phúc thẩm được mở vì có đơn kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan), Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) cùng 45 bị cáo khác.
Ông Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan tại một phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tân Châu
Ngoài ra còn có kháng cáo của Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…
Hiện thông tin bà Trương Mỹ Lan kháng cáo được TAND cấp cao tại TPHCM xác nhận, tuy nhiên nội dung kháng cáo chưa được tiết lộ.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, bà Trương Mỹ Lan đã viết đơn kháng cáo từ trại tạm giam, sau đó gửi nộp cho Tòa án.
Cũng theo nguồn tin của Tiền Phong, bà Trương Mỹ Lan kháng cáo kêu oan tội danh “Tham ô tài sản”- là tội danh mà bà Lan bị HĐXX sơ thẩm tuyên tử hình và “Đưa hối lộ”.
Về nội dung kêu oan của tội “Tham ô tài sản” - nguồn tin của Tiền Phong cho hay, bà Lan trình bày rằng tiền do Ngân hàng SCB sử dụng nhưng lại quy buộc tội đối với bà Lan.
Tội danh còn lại là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bà Lan kháng cáo và đề nghị HĐXX phúc thẩm xem lại số tiền quy buộc bà gây thiệt hại vì Ngân hàng SCB sử dụng tiền để tái cơ cấu ngân hàng sau sáp nhập, nhưng lại quy kết bà lan làm thiệt hại.
Bị cáo Trương Huệ Vân - Cháu gái bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Tân Châu
Tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM hồi tháng 4/2024, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù tội “Đưa hối lộ” và tử hình tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Lan phải chấp hành là tử hình.
85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường là 677.800 tỷ đồng.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội, gây ra thiệt hại cho Ngân hàng SCB 677.800 tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến năm 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản, gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng, phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của Ngân hàng SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 130.000 tỷ đồng là phạm tội “Tham ô tài sản”.
Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB và đưa ngân hàng này khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra, là phạm tội “Đưa hối lộ”.
Ngoài giai đoạn 1 vụ án như nêu trên, ngày 17/10, HĐXX TAND TPHCM tuyên án giai đoạn 2 vụ án, phạt bà Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (chiếm đoạt gần 31.000 tỷ đồng), “Rửa tiền” (445.000 tỷ đồng) và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (4,5 tỷ đồng). |
Phiên xử được mở do có kháng cáo của 48 bị cáo. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP HCM tuyên án tử hình về 3 tội danh
Nguồn: [Link nguồn]