Bà Trương Mỹ Lan được bạn ngỏ ý trả nợ thay 250 triệu USD, pháp luật quy định thế nào?
Theo chuyên gia, việc trả thay nợ ngân hàng phải thông qua việc thoả thuận về thực hiện nghĩa vụ trả nợ và phải được bên có quyền đồng ý.
Như PLO đã đưa tin, TAND TP.HCM đang mở phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Liên quan đến tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai (Hà Nội), bị cáo Lan khai đã nhờ bạn của mình vay nợ ngân hàng nước ngoài 250 triệu USD để mua.
Đối với tài sản này, luật sư bào chữa cho một số bị cáo đồng phạm của bà Lan cho biết có một người bạn của bà Lan tại Mỹ đã liên hệ với LS với mong muốn trả khoản vay 250 triệu USD tại ngân hàng nước ngoài và nộp thêm 130 triệu USD để bà khắc phục cho bị hại.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, việc trả nợ ngân hàng thay cho người vay có được không?
Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG
Giải đáp vấn đề trên, Ths Nguyễn Đức Hiếu (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, Bộ luật Dân sự đề cao sự thoả thuận, trong đó có thoả thuận về thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Điều 370 BLDS về việc chuyển giao nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý. Trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
Cạnh đó, cần lưu ý là khi chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo Điều 371 BLDS.
Như vậy, trong trường hợp có người bạn ở nước ngoài (người thế nghĩa vụ) muốn đứng ra trả nợ khoản vay 250 triệu USD tại các ngân hàng nước ngoài cho bà Lan thì việc này phải được bên có quyền là phía ngân hàng đồng ý. Sau khi các bên thỏa thuận xong, nghĩa vụ trả nợ sẽ được chuyển giao, người thế nghĩa vụ sẽ trở thành bên có nghĩa vụ trả nợ.
Ths Hiếu cũng cho biết thêm, trường hợp ngân hàng không đồng ý việc trả nợ thay thì người đang nợ ngân hàng có thể thực hiện theo Điều 463 BLDS về hợp đồng vay tài sản.
Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hay như Điều 457 BLDS quy định về hợp đồng tặng cho tài sản. Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Với các quy định trên thì giữa người đi vay tiền ngân hàng và người trả nợ thay có thể thoả thuận để chuyển giao tài sản một cách hợp pháp.
Nguồn: [Link nguồn]
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, một người bạn muốn cho bà Trương Mỹ Lan vay 130 triệu USD để bà này khắc phục cho các trái chủ.