Bà Trương Mỹ Lan còn 13 tài sản chưa bị kê biên, phong tỏa?

Ngày 12/3, phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục diễn ra với phần tham gia xét hỏi các bị cáo từ các luật sư.

13 Tài sản đang “ẩn danh”

Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan nói, mẹ bà là tiểu thương Chợ Bến Thành, bán mỹ phẩm và nhiều mặt hàng khác. Năm 1992, khi nhà nước cho phép thành lập công ty TNHH thì nhà bà Lan thành lập Công ty Vạn Thịnh Phát. Mẹ bà Lan đã tích lũy được một số tài sản, vàng bạc, nhà cửa và đó cũng là nền tảng cho bà Lan có tiềm lực kinh tế mạnh. Cũng trong năm 1992, bà Lan gặp ông Chu Lập Cơ khi ông Cơ đi tìm cơ hội đầu tư. Bà Lan và ông Cơ kết hôn và chọn ở lại Việt Nam kinh doanh.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 12/3. Ảnh: Duy Anh

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 12/3. Ảnh: Duy Anh

Bà Lan cũng khai rằng, thời điểm tái cơ cấu, SCB cần rất nhiều tiền. Bà đã thế chấp cho SCB khách sạn Windsor - khách sạn 5 sao đầu tiên ở Việt Nam tọa lạc tại quận 5 (TPHCM) để vay 15.000 tỷ đồng. Sau đó, bà Lan đã giải chấp và trả được khoản vay này. Bà Lan cũng thể hiện ý chí khi muốn nhận 1.000 tỷ đồng tiền mặt từ ông Nguyễn Cao Trí (bị cáo, 54 tuổi, quê Lâm Đồng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Văn Lang; Công ty cổ phần Tập đoàn Capella, đang bị xét xử về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản").

Ông Trí bị cáo buộc chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng, gia đình ông Trí đã nộp hơn 700 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tại tòa, ông Trí cũng bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục khắc phục hết hậu quả bằng tiền mặt.

Tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan bất ngờ cho biết muốn mang 13 tài sản ngoài danh mục kê biên, phong tỏa trong vụ án này để khắc phục hậu quả nếu bà bị tuyên có tội, gây hậu quả.

Trước nguyện vọng của bà Lan, chủ tọa phiên tòa khẳng định Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ tạo mọi điều kiện để tất cả các bị cáo khắc phục hậu quả, nhưng các tài sản ở đâu, ai cất giữ… thì các bị cáo phải cung cấp địa chỉ rõ ràng, không nói chung chung.

Trả lời câu hỏi của luật sư, về cáo buộc đã nắm giữ trên 90% cổ phần tại SCB rồi thao túng ngân hàng này, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục phủ nhận và cho rằng bà và 2 con gái nắm giữ chưa tới 15% cổ phần tại SCB. Theo bà Lan, trong số 1.000 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thì chỉ có vài công ty liên quan. Số công ty còn lại không liên quan gì đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trả lời luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) nói có biết việc bà Trương Mỹ Lan đưa tài sản, bán tài sản để tái cơ cấu SCB. Bị cáo Dung khai rằng, trong giai đoạn hợp nhất 3 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và SCB) thành SCB, năm 2012, bà Trương Mỹ Lan có đưa tài sản vào SCB nhưng từ năm 2021 đến nay, bà Lan không đưa tài sản vào SCB.

Chồng bà Trương Mỹ Lan nhận tội

Cũng trong ngày 12/3, bị cáo Chu Lập Cơ (quốc tịch Trung Quốc, chồng bà Trương Mỹ Lan) cũng trả lời nhiều câu hỏi từ luật sư. Trong vụ án này, ông Chu Lập Cơ bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Times Square, đã giúp sức cho vợ thực hiện hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt lớn cho SCB. Cụ thể: Ông Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 10/12/2012, Biên bản họp HĐQT ngày 12/12/2012; ký Biên bản họp HĐQT ngày 15/8/2017 của Công ty Times Square để thế chấp tài sản của công ty này bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.116 tỷ đồng.

Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Nguyễn

Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Nguyễn

Trả lời các câu hỏi của luật sư, ông Chu Lập Cơ xác nhận có ký văn bản, lần đầu là trên cơ sở đề nghị và sự thuyết phục của bà Trương Mỹ Lan. Việc ký các văn bản, theo ông Cơ là để tái cấu trúc lại SCB. Những lần ký tiếp theo, bà Lan không thuyết phục hay đề nghị. Ông Cơ nói bản thân cứ nghĩ là giống lần đầu là tái cấu trúc lại ngân hàng, nhằm mang lại hiệu quả. Ngoài các biên bản này, ông Chu Lập Cơ còn ký rất nhiều tài liệu khác bằng tiếng Việt.

“Tôi ký các văn bản dựa trên niềm tin vào vợ của mình và tin vào hệ thống, nhân viên văn phòng trong công ty, trợ lý của mình” - Ông Chu Lập Cơ nói.

Ngoài ra, bị cáo này cũng thừa nhận, bản thân không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản tại SCB và không hình dung được hậu quả sau này.

Theo bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), các khoản vay của nhóm Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương có hồ sơ đầy đủ nhưng khi giải ngân thì bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Phương) sử dụng không đúng mục đích. Số tiền giải ngân cho nhóm Đông Phương khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Tại phần xét hỏi của luật sư, bị cáo Chu Lập Cơ khai không biết tiếng Việt nhưng vẫn ký thế chấp tài sản tại SCB dựa trên niềm tin vào vợ là Trương Mỹ Lan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tân Châu - Hữu Huy ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN