Bà Trương Mỹ Lan bị VKS đề nghị chung thân trong vụ án thứ 2
Trong vụ án thứ hai, đại diện VKS đã đề nghị mức hình phạt chung cho ba tội danh đối với bà Trương Mỹ Lan là chung thân.
Ngày 4-10, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tiếp tục với phần luận tội và đề nghị mức hình phạt của đại diện VKSND TP.HCM đối với các bị cáo trong vụ án.
Theo đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12-13 năm về tội rửa tiền và 8-9 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp hình phạt đề nghị là chung thân.
Theo đại diện VKS hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây hoang mang, mất niềm tin của người dân trong và ngoài nước. Hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG
VKS khẳng định ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị cáo Trương Mỹ Lan là người nêu chủ trương chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt để thực hiện phát hành trái phiếu trái quy định, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 1992 đến nay. Trương Mỹ Lan đã thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018-2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo nhiều bị cáo khác, sử dụng bốn Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống, với tổng khối lượng là 308.691.388 trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về hơn 30.000 tỉ đồng đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
VKS khẳng định việc truy tố, xét xử 29 bị cáo về tội lừa đảo là có căn cứ. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chịu trách nhiệm chính, các bị cáo thực hiện hành vi với vai trò giúp sức cho bị cáo Lan.
Đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên tòa xét xét xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Trong quá trình chiếm đoạt số tiền trên, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội mà có. Số tiền này chủ yếu để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty/cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng khống.
Do đó, việc truy tố bị cáo về tội rửa tiền là có căn cứ.
Đối với tội rửa tiền, từ ngày 27-10-2012 đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài; thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền là 4,5 tỉ USD tương đương 106.730 tỉ đồng.
Cũng theo theo đại diện VKS, ở cả ba tội danh bị cáo Trương Mỹ Lan là người phải chịu trách nhiệm chính. Các bị cáo còn lại thực hiện với vai trò giúp sức.
Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trương Mỹ Lan cùng một số bị cáo khác vì có nhiều hoạt động từ thiện cho xã hội như tích cực tham gia phòng chống COVID-19...
Nguồn: [Link nguồn]
Bà Trương Mỹ Lan bị thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, áo quần, giày dép… nên xin HĐXX gỡ niêm phong vì để lâu sẽ bị hư.