Bà trùm buôn thuốc tây quá “đát”

Khoảng 200 loại thuốc tây và thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng với số lượng lên tới hàng trăm ngàn viên đã bị tẩy xóa hoặc sửa “đát” rồi bán ra thị trường

Phòng 7, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an vừa phối hợp với Đội QLTT số 14 và Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tây thuộc cùng một hệ thống có địa chỉ ở số 11A An Dương (quận Tây Hồ), số 20 Nguyễn Biểu và 129 Phúc Xá (quận Ba Đình), phát hiện các cửa hàng này bán thuốc hết “đát” đã bị tẩy xóa, sửa hạn sử dụng trước khi bán cho khách hàng.

Biến tân dược quá hạn thành thuốc mới

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng làm rõ: Chủ của các cửa hàng trên là bà Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1965, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ngoài 3 cửa hàng trên, bà Tuyết còn điều hành thêm một số hiệu thuốc khác, tổng cộng lên tới hơn 20 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ trên 500.000 đơn vị thuốc tây các loại hết hạn sử dụng đã bị tẩy xóa, sửa “đát”, trong đó có kháng sinh, thuốc thần kinh, cai nghiện và cả thực phẩm chức năng.

Bà trùm buôn thuốc tây quá “đát” - 1

Bà trùm buôn thuốc tây quá “đát” - 2

Một nhà thuốc trong chuỗi hơn 20 cửa hàng bán tân dược quá hạn sử dụng của bà Trần Thị Ánh Tuyết và những dụng cụ sửa “đát” thuốc tây Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Theo cơ quan chức năng, bà Trần Thị Ánh Tuyết không có trình độ về y dược và từng có tiền án về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn tiếp tục thuê một số dược sĩ đứng tên để xin giấy phép mở hơn 20 quầy bán thuốc tây. Chính hệ thống cửa hàng này là nơi để thuốc hết “đát” được quay vòng, bán ra thị trường.

Theo khai nhận của bà Tuyết và qua kiểm tra thực tế, nơi “phù phép” cho thuốc hết “đát” phần lớn diễn ra tại cửa hàng thuốc Lương Thiện Long (phố Phúc Xá, quận Ba Đình). Thủ đoạn của đối tượng này rất tinh vi: Với các vỏ hộp thuốc có in “đát” trên bao bì, bà Tuyết cho dùng dao cạo nhẹ lớp mực in hạn sử dụng rồi viết lại số mới. Với vỏ, gói thuốc bán rời, bị dập chìm hạn sử dụng thì dùng kéo cắt bỏ phần “đát”, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đáng chú ý, trong số tân dược bị tẩy, sửa “đát” có cả các loại thuốc đặc trị, bán theo chỉ định của bác sĩ, như: thuốc chữa bệnh tiểu đường, hen suyễn, an thần; thuốc hạ sốt trẻ em; thuốc bổ sung chất sắt cho phụ nữ có thai. Ngoài buôn bán tân dược, bà Tuyết còn thường xuyên thu gom các loại thuốc, thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng về để tẩy, sửa “đát” và tiếp tục phân phối. Tính đến thời điểm bị phát hiện, bà Tuyết đã chỉ đạo nhân viên tẩy, sửa “đát” khoảng 200 loại thuốc tây và thực phẩm chức năng, số lượng lên tới hàng trăm ngàn viên.

Rất nguy hiểm đến tính mạng

Liên quan đến hiệu quả điều trị sử dụng thuốc hết “đát”, PGS-TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp về dược học của Bộ Y tế - khẳng định thuốc hết hạn là thuốc không được phép sử dụng và không có tác dụng trong điều trị. Nhiều dược sĩ khác cũng cho rằng thuốc hết hạn dùng sẽ không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng dù trông vẻ bề ngoài của thuốc không có sự thay đổi, giống y như khi còn hạn dùng. Do vậy, hạn sử dụng của thuốc là tiêu chí quan trọng nhất để biết thuốc còn chất lượng hay không. Khi quá thời điểm đó, thuốc sẽ không được phép bán trên thị trường và không cho bệnh nhân sử dụng nữa.

Về những nguy cơ khi sử dụng thuốc hết “đát”, TS-BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - phân tích: Thuốc được bào chế theo những yêu cầu nghiêm ngặt về công thức, thành phần, Việc sử dụng thuốc quá “đát” không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc vì thuốc không đạt các yêu cầu về điều kiện bảo quản nên có thể biến đổi, chuyển hóa gây ra các phản ứng có hại, như: dị ứng, ngộ độc hoặc gây ra một phản ứng tiêu cực. Ngoài ra, vi khuẩn hoặc nấm mốc cũng có thể phát triển trong các loại thuốc hết hạn dùng.

“Đặc biệt, khi sử dụng các loại thuốc hết “đát”, nhất là kháng sinh, nếu hàm lượng thuốc xuống dưới mức quy định còn dẫn đến tình trạng lờn thuốc. Thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Thuốc là mặt hàng đặc biệt, ngay cả thuốc còn hạn nhưng không bảo đảm điều kiện bảo quản tối ưu thì cũng có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Do đó, tuyệt đối không dùng thuốc hết hạn” - bác sĩ Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.

Quy định về hạn dùng

Theo quy định của Bộ Y tế, hạn dùng của thuốc được ghi bằng số hoặc chữ chỉ tháng và năm. Nếu hạn sử dụng của thuốc được ghi là 11-1-2016 tức là nên mua và sử dụng thuốc trước ngày này, với điều kiện thuốc được bảo đảm các yêu cầu về chất lượng và được bảo quản đúng quy định. Nếu hạn sử dụng ghi là tháng 1-2016, nghĩa là từ ngày 1-1-2016 trở đi, thuốc được coi là quá hạn sử dụng, không dùng được nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết- Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN