Ba trận động đất gây rung chuyển Kon Tum
Đầu giờ chiều nay (1/9), ba trận động đất liên tiếp, trong đó có trận động đất mạnh 4.1 độ đã gây rung chấn ở Kon Tum và khu vực lân cận, trở thành động đất thứ 22 ở khu vực này trong một tuần qua.
Trận động đất xảy ra lúc 13 giờ 39 phút 43 giây chiều nay (1/9) tại khu vực tọa độ 14.916N-108.235E, độ sâu khoảng 8.1km trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, gây rung chấn cho một khu vực khá rộng lớn. Ngay sau đó, thêm hai trận động đất có độ lớn lần lượt là 3.9 và 2.8 tiếp tục xảy ra ở khu vực này.
Trong sáng nay, lúc 9 giờ 13 phút 38 giây (giờ Hà Nội), một trận động đất có độ lớn 2.7 cũng xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tại vị trí có tọa độ 14.863 độ vĩ Bắc, 108.225 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Tâm chấn trận động đất sáng nay xảy ra ở Kon Tum.
Tính từ chiều 23/8 đến nay, Kon PLông đã ghi nhận liên tiếp 20 trận động đất, trong đó có trận động đất lớn nhất thế kỷ xảy ra chiều 23/8 với độ lớn 4.7. Tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực này đã ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp 6 lần số trận động đất xảy ra ở khu vực này trong hơn một thế kỷ trước đó.
Các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu nhận định, động đất tại Kon Plông là động đất kích thích do hoạt động của hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến hoạt động động đất xảy ra sớm hơn.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2. Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Vì vậy, trong nhiều tháng tới, hoặc nhiều năm tới, Kon Tum vẫn sẽ ghi nhận các trận động đất.Tuy nhiên, theo PGS Triều, một số nghiên cứu chỉ ra, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) không vượt quá 5,5 độ richter. Vì vậy, động đất kích thích cực đại ít khả năng vượt quá 5 độ richter. PGS Triều cũng lưu ý, nền địa chất tại khu vực xảy ra động đất ở Kon Plông bị phong hóa khá mạnh nên người dân cảm nhận được rung chấn khá rõ do động đất gây ra, kèm theo những tiếng nổ trong lòng đất.
Trận động đất 4.1 độ Richter vừa xảy ra ở Kon Plông, tỉnh Kon Tum là trận động đất mạnh hiếm gặp tại đây, gây hoang mang lo lắng cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Nguồn: [Link nguồn]