‘Bà nội kẹo ú’ cuối cùng ở Tây Nguyên

Nhìn những động tác dứt khoát, khỏe khoắn của “bà nội kẹo ú” trong công việc vất vả, cần nhiều sức lực này, nhiều người không khỏi cảm phục lẫn ứa nước mắt vì thương.

Hơn 20 năm rồi, cụ bà vẫn lặng lẽ ôm ấp tình yêu với bọn học trò qua từng viên kẹo nhà quê.

Vừa mưu sinh vừa giữ hồn quà quê

Bà Tèo là cái tên quen gọi về cụ của tụi học trò ở quê. Cụ tên thật là Nguyễn Thị Năm, nay đã 87 tuổi. Không biết từ khi nào cái tên đó lại gắn liền với cụ mỗi khi tụi học trò đến mua kẹo.

Chúng tôi gặp cụ bà vào một sáng cuối tháng 9, ở một khu chợ gần trường học tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Đến một con hẻm ở đường Lê Quý Đôn, hỏi nhà cụ Tèo kẹo ú, không ai là không biết.

Căn nhà cấp bốn cũ kỹ, vỏn vẹn chỉ khoảng chục mét vuông nằm ở cuối con đường đất đỏ là nhà cụ Tèo. Khách đến, cụ Tèo vẫn đang loay hoay nhóm bếp để đun nước đường làm kẹo. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi có lẽ là nụ cười hiền từ gợi lên trên khuôn mặt cụ bà. Những nếp nhăn xô vào nhau đều đặn.

Vừa làm cụ Tèo vừa kể về chuyện, cụ vốn là người gốc Quảng Nam. Nhưng từ thời con gái, cụ một thân một mình lên Tây Nguyên để sinh sống và làm thuê. Cuộc sống vất vả và trải qua nhiều nghề để mưu sinh cho đến tận giờ. Cụ có bảy người con cả thảy nhưng đã mất bốn người. Những người còn lại cũng ở gần với cụ nhưng cuộc sống khó khăn nên không giúp được cụ nhiều.

Nồi đường trên bếp bắt đầu đặc lại. Cụ Tèo nhấc lên, đổ vào một cái mâm trắng đã bôi dầu và đợi cho đường nguội lại. Vừa làm cụ vừa kể về việc cụ đã học lỏm nghề làm kẹo như thế nào. “Hồi xưa khổ lắm, làm đủ cái nghề. Rồi thấy họ làm kẹo ú này hay hay nên mình cũng sang nhờ họ chỉ cho để làm. Nhưng họ không có chỉ gì cả, vì sợ mình làm được, họ bán ế”. Cụ lén coi họ làm ra sao rồi học theo. Ví dụ coi họ bỏ đường ra sao, rồi đậu, gừng là bao nhiêu thì được.

Cụ Tèo hơn 20 năm làm kẹo ú bán cho học sinh. Ảnh: H.Trường

Cụ Tèo hơn 20 năm làm kẹo ú bán cho học sinh. Ảnh: H.Trường

Sau khi đường nguội, cụ nhồi cho đặc quánh lại thành một khối dẻo quẹo. Sau đó, khối đường này sẽ được đưa lên một cây gỗ được thoa dầu sẵn để quất cho dẻo ra. Thanh quất là một cây gỗ màu đen, có một chấu để mắc bột và đường vào. “Điều quan trọng là phải quất cho nhanh, càng nhanh thì kẹo càng dẻo. Để nguội thì bột cứng lại và không đập được nữa. Đây cũng là một trong những công đoạn quan trọng và tốn sức nhất của việc làm kẹo” - cụ Tèo nói và đưa tay quất liên tục những khối bột vào thân cây gỗ.

Nhìn đôi tay già nua với những đường gân guốc đang thoăn thoắt quất thớ bột cho mềm dẻo của cụ Tèo khiến nhiều người thấy rất thương. Đáng lẽ ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ phải được nghỉ ngơi chứ không phải làm những công việc nặng nhọc như thế này. Vậy mà cụ Tèo chỉ cười rồi nói: “Làm thì hắn cũng cực thiệt nhưng nhờ làm như thế này nên bà mới khỏe đến hôm nay. Chớ không làm thì tay chân khó chịu lắm, mà làm hoài nên khỏe. Nhờ người ta làm cũng không được, vì không quen mà rớ tay vào là bột nó cứng lại thì chỉ có bỏ”.

Khoảng 20 phút liên tục làm mềm bột, cụ Tèo lại mang khối dẻo quẹo đến một cái bàn tròn lớn, có sẵn bột mịn. Tại đây, cụ đặt khối đường vừa quất xong lên một mảnh nylon sạch để làm dẹp, sau đó rắc đậu và mè vào giữa. Sau khi bỏ nhân vào trong, khối bột đường được cuốn lại thành một khối dài. Cuối cùng, dùng kéo cắt thành những đoạn nhỏ và lăn qua bột mịn là xong.

Công việc tưởng chừng rất đơn giản với vài công đoạn, thế nhưng mỗi một công đoạn đều cần rất nhiều sức và sự khéo léo. Vậy nên chẳng có mấy người theo được nghề đến hơn 20 năm như cụ Tèo. Cụ nói quan trọng là mình làm phải sạch sẽ, nếu không sẽ làm tội tụi học sinh. Hơn 20 năm, biết bao nhiêu tình cụ bà đùm trong từng viên kẹo ú.

“Bà nội kẹo ú”... đừng bị làm sao nha!

Cứ mỗi khi làm xong kẹo, cụ Tèo lại đi bộ cả cây số để mang số kẹo này ra chợ và trường học gần đó bán. Điều đáng nói, bây giờ trên thị trường có nhiều loại bánh ngon, kẹo đẹp nhưng lạ thay khi thúng kẹo ú của cụ bà vừa đến chỗ không bao lâu thì đã được bán sạch.

“Tụi học trò tội lắm, ngày mô không thấy bà ra bán là tụi nó lại hỏi. Mình gắn bó được với tụi nó nên tụi nó thương lắm. Hễ mang ra là hết, chứ không cần phải ngồi lâu như bán những thứ khác. Đứa nào có gia đình khá khá tí thì mua nhiều, đứa nào không có tiền thì mình cho bịch kẹo để chúng mang vô trường ăn. Chúng hay nói với bà là “Bà nội đừng có bị sao nha, bị sao tụi con thèm kẹo chết mất”. Nói vậy chớ, nội giờ cũng già rồi, không biết làm được bao nhiêu năm nữa nhưng mà tới đâu thì tới, bà cũng làm cho tụi nhỏ ăn chớ” - cụ Tèo nói.

Trước kia, khi còn khỏe, mỗi ngày cụ Tèo làm cả hơn chục ký kẹo để đem bán, thu nhập của cụ chừng vài trăm ngàn đồng. Nhưng rồi năm tháng đi qua, sức cụ không còn như trước nữa, nay mỗi ngày cụ Tèo kéo được khoảng vài ký kẹo, thu nhập chỉ đủ trang trải qua ngày. Đôi khi may mắn, có người từ Mỹ về, do nhớ tuổi thơ nên cũng tìm đến nhà cụ để đặt làm kẹo, đem sang nước ngoài làm quà biếu.

“Họ nói giờ bánh kẹo ngon thì không thiếu nhưng để tìm mua được cây kẹo ú từ ngày xa xưa thì rất hiếm gặp. Có thể kẹo ú không ngon bằng thứ khác nhưng nó chứa cả một thời yêu thương” - cụ Tèo kể lại.

Chia sẻ với chúng tôi về mong muốn của mình, cụ Tèo thật thà nói, hồi xưa học lỏm của người ta thì khó chứ bây giờ mong có người thích làm kẹo là cụ sẵn sàng chỉ. Làm kẹo ú cũng đơn giản, chỉ cần canh đủ bột, đủ đường và đánh bột sao cho nhuyễn là được, có gừng nhiều thì kẹo sẽ thơm hơn.

Sẽ tận tình truyền nghề

Giờ người ta muốn làm những cái nhanh có tiền, chứ làm kẹo ú mất thời gian mà lại tốn sức lắm. Thành ra muốn làm được thì phải kiên trì. Giờ chỉ sợ mình không sống được bao nhiêu năm nữa nên có ai hỏi thì bà sẽ tận tình chỉ.

Cụ NGUYỄN THỊ NĂM 

Bố mẹ và anh trai mất vì tai nạn, bà nội bế bé 5 tháng tuổi đi khắp làng xin sữa

Bố, mẹ và người anh mất trong một vụ tai nạn giao thông để lại bé trai vừa tròn 5 tháng tuổi cho bà nội 74 tuổi chăm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Trường ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN