Ba năm phát triển xe chiến đấu bộ binh 'made in Việt Nam'

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Với sự tham gia của nhiều đơn vị, viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội, xe chiến đấu bộ binh XCB-01 chính thức trình diện tại triển lãm Quốc phòng sau ba năm.

Nằm giữa loạt xe tăng, pháo tự hành và xe thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 ở sân bay Gia Lâm, Hà Nội, là xe chiến đấu bộ binh XCB-01 - sản phẩm do kỹ sư, nhà khoa học thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chủ trì thực hiện.

Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 tại Triển lãm Quốc phòng 2024. Ảnh: Giang Huy

Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 tại Triển lãm Quốc phòng 2024. Ảnh: Giang Huy

XCB-01 là tổ hợp vũ khí hiện đại, được tích hợp công nghệ từ hơn 30 chuyên ngành kỹ thuật quân sự với sứ mệnh là xe chiến đấu cơ động bộ binh, có khả năng đột kích tiêu diệt mục tiêu quan trọng của đối phương. Kíp xe gồm ba người trưởng xe, lái xe, pháo thủ và chở thêm được 8 bộ binh.

Được giao phụ trách nhiệm vụ phát triển XCB-01, đại tá Lê Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, cho biết trong chiến tranh hiện đại, tính cơ động là yếu tố quyết định. Lực lượng quân đội hiện đại, tinh - gọn - mạnh đồng nghĩa cơ động nhanh. Vì vậy, việc nghiên cứu một xe chiến đấu bộ binh hiện đại cho toàn quân là nhiệm vụ cấp bách.

Năm 2021, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đề xuất và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo xe chiến đấu bộ binh có tính năng hiện đại, phù hợp với điều kiện tác chiến của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy bộ binh có đặc điểm cơ động chưa cao. Trong các cuộc xung đột trên thế giới, quân đội các nước phương Tây ưa sử dụng xe tăng hạng nặng để đánh phá mục tiêu. Tuy nhiên, xe tăng có điểm yếu là nặng, khả năng xoay trở kém trong điều kiện nền đất yếu, hoặc khu vực đô thị chật hẹp và dễ trở thành "miếng mồi ngon" cho UAV cảm tử tấn công.

Khi bàn bạc kỹ lưỡng, nhóm quyết định áp dụng trang bị hiện đại nhất cho XCB-01 tương đương với khí tài của Nga, Mỹ, song phải phù hợp với điều kiện tác chiến tại Việt Nam nhiều rừng núi, sông ngòi.

Những tính năng của xe XCB-01. Video: Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Theo đại tá Lê Anh Sơn, ngang hàng về kích thước, khối lượng, ngoài XCB-01 của Việt Nam còn có xe thiết giáp M113 của Mỹ và xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Nga. Khi đặt lên bàn cân, XCB-01 không lép vế về cả ba yếu tố quan trọng nhất đối với một xe thiết giáp là tính cơ động, vũ khí, khí tài và khả năng bảo vệ.

Về khả năng cơ động, XCB-01 đạt tốc độ tối đa 65 km/h trên đường nhựa, 40-45 km/h với đường đất. Xe có cơ chế bơi bằng xích với tốc độ 7 km/h. Bình nhiên liệu đáp ứng hành trình khoảng 550 km. Xe có khả năng vượt dốc nghiêng 30 độ, tường cao 0,7 m, hào rộng 2,5 m. Thông tin liên lạc sử dụng sóng ngắn, nhảy tần để khắc chế tác chiến điện tử, ngăn chặn phá sóng, tối ưu hóa khả năng bảo mật.

Về hệ thống vũ khí, XCB-01 được trang bị pháo nòng trơn 73 mm có hệ thống nạp đạn tự động để tiêu diệt mục tiêu xe thiết giáp; súng đại liên 7,62 mm song song với pháo chính; súng phòng không 12,7 mm tiêu diệt mục tiêu trên không bay thấp hoặc mái nhà; tổ hợp tên lửa chống tăng B72. Việc tích hợp cụm súng phòng không 12,7 mm giúp nâng cao khả năng tác chiến phòng không, thích ứng tốt với tác chiến hiện đại có sử dụng UAV và tác chiến trong đô thị.

Kính ngắm trên xe kiểu tiềm vòng, đa kênh ngày và đêm ứng dụng công nghệ ảnh nhiệt, tích hợp đo xa laser. Công nghệ mới giúp tăng đáng kể cự ly quan sát và nhận diện mục tiêu.

Đại tá Lê Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ. Ảnh: Giang Huy

Đại tá Lê Anh Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ. Ảnh: Giang Huy

Nhớ lại quá trình xây dựng những nguyên mẫu đầu tiên, đại tá Sơn cho biết nhóm nghiên cứu gặp khó khi tìm cách tăng khả năng chống đạn cho hệ thống giáp và phải cân bằng khối lượng để đảm bảo tính cơ động. Sau nhiều ngày nghiên cứu, soi xét tỉ mỉ từng yếu tố từ công nghệ, vật liệu, nhóm quyết định kết hợp tấm giáp kim loại với chất liệu composite để giảm trọng lượng vỏ xe.

Nhờ vậy, xe vẫn đáp ứng tiêu chuẩn chống đạn STANAG 4569 của NATO. Niềm tự hào lớn nhất của nhóm nghiên cứu là chế tạo thành công hệ thống phóng đạn khói. Đây là công nghệ bảo vệ hiện đại, từng được Nga áp dụng rất hiệu quả trên chiến trường trong cuộc xung đột với Ukraine.

Đại tá Sơn cho biết hệ thống phát hiện và cảnh báo chiếu xạ laser được đồng bộ với dàn phóng đạn khói trên tháp pháo. Khi phát hiện bị khóa mục tiêu, xe lập tức quay nòng pháo về phía mục tiêu nhả đạn, tạo ra màn khói ngụy trang chống laser, hồng ngoại, giúp lẩn trốn và sớm ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, khi chiến đấu trên chiến trường, xe có thể linh hoạt sử dụng đạn khói để tấn công theo loạt giúp đảm bảo an toàn, nâng tỷ lệ sống sót.

"Loại khói được chúng tôi nghiên cứu cũng vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt nhất, đảm bảo các loại vũ khí trinh sát và dẫn đường bằng laser, hồng ngoại phổ biến hiện nay của đối phương không thể phát hiện", đại tá Sơn nói.

Hệ thống xả khói mù trên XCB-01. Ảnh: Giang Huy

Hệ thống xả khói mù trên XCB-01. Ảnh: Giang Huy

Nghiên cứu thành công XCB-01, song Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ nhìn nhận việc phát triển, tự chủ trong công nghệ vũ khí ở Việt Nam còn khó khăn. Hiện số cán bộ, nhà khoa học có khả năng thiết kế tổ hợp vũ khí rất ít.

Các chuyên gia của Việt Nam hầu hết được đào tạo ở Nga, trước đây là Liên Xô, song phần lớn mới ở mức cơ bản về khai thác, sử dụng và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài. Ít người có khả năng thiết kế, chế tạo sản phẩm vũ khí phức tạp, hàm lượng công nghệ cao. "Các nước không bao giờ cung cấp công nghệ lõi, công nghệ nền của những sản phẩm chủ chốt. Kỹ sư của chúng tôi phải tự mày mò, nghiên cứu để giải mã", ông Sơn nói.

Giai đoạn khó nhất khi phát triển XCB-01 là lúc nhóm đưa mẫu sản phẩm đầu tiên vào thử nghiệm. Là người phụ trách nhóm nghiên cứu, ông nhận thức được đây là quy trình nghiêm ngặt, phải đảm bảo an toàn cho tổ công tác. "Mỗi lần thử nghiệm, chúng tôi hồi hộp chờ đợi kết quả, tự hỏi các tính toán của mình có đúng không. Đó là thời điểm tưởng chừng như nút thắt", đại tá Sơn nhớ lại.

Hiện nay, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tự chủ được khâu thiết kế, chế tạo XCB-01. So sánh về chi phí nhập khẩu một mẫu xe chiến đấu bộ binh tương tự, đại tá Sơn nói việc tự chủ đã giúp quân đội giảm được 50% chi phí.

Theo lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, việc tự chủ nghiên cứu, chế tạo thành công xe chiến đấu bộ binh XCB-01 trong nước là cơ sở, tiền đề nghiên cứu chế tạo ra các phương tiện chiến đấu cơ động khác như pháo tự hành, xe tăng, để trang bị cho quân đội. Điều này cũng đánh dấu sự phát triển trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới đáp ứng nhu cầu trang bị cho quân đội "Tinh, gọn, mạnh", góp phần xây dựng nền quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nghiên cứu, phát triển và chế tạo đang được trưng bày ngoài trời tại triển lãm Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN