Bà giáo lặng thầm và dãy hàng hoa lung linh trong đêm tưởng niệm

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tác giả của dãy hàng hoa lung linh nến sáng giữa con hẻm trong đêm tưởng niệm khiến cộng đồng mạng rưng rưng, thổn thức là một bà giáo dạy cắm hoa vốn ngày thường lặng thầm, khép kín.

Từ trước đến nay, bà Đinh Thị Hạnh, một giáo viên dạy cắm hoa về hưu, ngụ hẻm 307 Bàu Cát, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM, chọn cách sống khép kín. Vậy mà, trong đêm tưởng niệm đồng bào tử vong vì dịch COVID-19, bà đã làm một việc khiến người dân ở hẻm 307 ngạc nhiên, cảm động.

Cô Đinh Thị Hạnh là người âm thầm làm 55 giỏ hoa tưởng niệm ở hẻm 307 Bàu Cát, phường 12, quận Tân Bình. Ảnh: NGỌC LÀI

Cô Đinh Thị Hạnh là người âm thầm làm 55 giỏ hoa tưởng niệm ở hẻm 307 Bàu Cát, phường 12, quận Tân Bình. Ảnh: NGỌC LÀI

Nhắc lại việc này, bà Hạnh nói mùa dịch đã giúp bà thấu rõ nhiều điều về cuộc sống, bà cảm nhận được chuyện giàu, nghèo gần như bình đẳng trước sự sống và cái chết trong đại dịch này. Trong những ngày đau thương, chết chóc đó, bà nhớ đến lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh thiêng vào đời”.

“Nếu đại dịch không xảy ra, cả nước không tổ chức đêm tưởng niệm, có lẽ tôi vẫn chọn cách sống khép kín, ít quan tâm đến hàng xóm. Những mất mát của dịch bệnh và ý nghĩa của lễ tưởng niệm đã khiến tôi suy nghĩ nhiều và trình bày ý nguyện được tặng 55 giỏ hoa tưởng nhớ người mất do đại dịch với tổ trưởng tổ dân phố 19. Tôi cũng không ngờ ý tưởng đó của mình lại được mọi người đón nhận…” – bà Hạnh chia sẻ.

Hình ảnh những giỏ hoa được đặt trên hàng ghế dài trong đêm tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Ảnh: NVCC

Hình ảnh những giỏ hoa được đặt trên hàng ghế dài trong đêm tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Ảnh: NVCC

Đợt dịch này, hẻm 307 có năm hộ dân bị nhiễm COVID-19, trong đó có bốn người ra đi mãi mãi. Kể lại điều này, bà Hạnh nghẹn ngào: “Nghĩ đến việc họ đã ra đi trong cô độc, tôi còn xúc động thì hẳn nhiên người thân của họ đau đớn đến nhường nào. Tôi muốn làm việc gì đó để xoa dịu phần nào nỗi đau chung, riêng này...”.

Chính sự đồng cảm ấy đã thôi thúc bà Hạnh mua hoa và tự tay cắm 55 giỏ hoa tưởng niệm.

Đợt dịch này giúp cô Hạnh mở lòng với hàng xóm, đau nỗi đau chung của cộng đồng. Ảnh: NGỌC LÀI

Đợt dịch này giúp cô Hạnh mở lòng với hàng xóm, đau nỗi đau chung của cộng đồng. Ảnh: NGỌC LÀI

Khi biết việc làm ý nghĩa của bà Hạnh, học trò cũ còn thầm lặng hỗ trợ một phần kinh phí khiến bà rất xúc động.

Để hoàn thành 55 giỏ hoa kịp giờ tưởng niệm, bà Hạnh và một nữ hàng xóm khác đã làm miệt mài từ 9 giờ đến 15 giờ chiều. Lúc hoa được trao đến tận tay tổ trưởng, bà mới thấy nhẹ nhõm và lặng lẽ chuẩn bị cho việc tưởng niệm tại nhà riêng.

“Bông hồng đẹp nhất trong mỗi giỏ hoa tượng trưng cho người đã mất do COVID-19. Họ mất trong đơn độc, để lại biết bao niềm đau thương trong lòng người ở lại” – bà Hạnh chia sẻ.

Mỗi giỏ hoa có một bông hồng thật đẹp... Ảnh: NVCC

Mỗi giỏ hoa có một bông hồng thật đẹp... Ảnh: NVCC

Nhận được hoa, tổ trưởng đưa hoa đến từng nhà. Đón nhận giỏ hoa, bà con ở hẻm 307 rất ngạc nhiên xen lẫn cảm kích. Họ vội vàng vào nhà tìm ghế đặt hoa cho trang trọng. Sau đó, mọi người mặc quần áo chỉnh tề, đeo khẩu trang, ra đứng trước cửa nhà, thắp nến nguyện cầu.

55 giỏ hoa này được đặt trang trọng trên hàng ghế dài, trước 55 ngôi nhà trong con hẻm nhỏ, cứ thế lung linh trong đêm tưởng niệm.

Đêm ấy, nhóm zalo của tổ dân phố 19 cũng tràn ngập hình ảnh hàng hoa tưởng niệm đặc biệt này.

Người sống ở hẻm 307 Bàu Cát rất ngạc nhiên và cảm kích trước tấm lòng của cô Hạnh. Ảnh: NVCC

Người sống ở hẻm 307 Bàu Cát rất ngạc nhiên và cảm kích trước tấm lòng của cô Hạnh. Ảnh: NVCC

Sau đó, những hình ảnh này được mọi người lan tỏa trên mạng xã hội. Có lẽ, việc làm xuất phát từ trái tim của bà Hạnh đã chạm đến trái tim cộng đồng.

Nhờ sự lan tỏa này, hàng xóm mới biết tác giả của những nén tâm hương đặc biệt, và họ đã mạnh dạn bày tỏ lòng biết ơn với người hàng xóm vốn ngày thường không ồn ào, vồn vã này.

Sau bao nhiêu năm sống khép kín, đại dịch đã giúp bà Hạnh mở lòng với xung quanh. Ảnh: NGỌC LÀI

Sau bao nhiêu năm sống khép kín, đại dịch đã giúp bà Hạnh mở lòng với xung quanh. Ảnh: NGỌC LÀI

Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm sống khép kín, bà Hạnh thấy ấm áp khi hàng xóm đến thăm nhà.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lài ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN