“Bà đồ” mang tấm chống giọt bắn viết thư pháp ở phố ông đồ TP.HCM
Các bà đồ mặc áo dài viết thư pháp điêu luyện, thu hút khách giữa con phố mai vàng Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM.
Chiều 16/1 (14 tháng Chạp), phố ông đồ nằm trong Lễ hội Tết Việt ở TP.HCM trước tại khu vực Nhà Văn hoá Thanh niên (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM) chính thức khai mạc. Đây là một điểm vui chơi quen thuộc của người dân TP.HCM mỗi khi Tết đến xuân về.
Điểm nhấn đáng chú ý là khoảng 40 gốc mai giả được dựng khắp các khu vực bên trong sân nhà văn hoá và hai bên vỉa hè phía trước. Nhiều cây mai được gắn thêm câu đối đỏ, bao lì xì.
Những gốc mai vàng rực mang hình ảnh Tết đang đến gần vẫn là những góc chụp hình quen thuộc của nhiều người.
Trước và sau thời gian khai mạc phố ông đồ, rất nhiều người đã xúng xính quần áo rực rỡ đến vui chơi, chụp hình. Huyền Anh (ngụ quận Bình Thạnh), cho biết hôm nay tranh thủ ghé chụp ảnh check-in phố ông đồ sớm cho đỡ đông đúc nhưng lại đúng vào ngày nghỉ nên mọi người cũng tới nhiều.
Theo nhiều người dân vui chơi trong buổi đầu tiên khai mạc, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh nhưng phố ông đồ năm nay vẫn được đơn vị tổ chức trang trí khá công phu, có một số tiểu cảnh khá mới mẻ như tiểu cảnh hàng chục đèn lồng đỏ rực, tiểu cảnh phong cách tết xưa, các gian hàng làng nghề truyền thống…
Tiểu cảnh tết xưa được bài trí đẹp mắt thu hút rất nhiều người chờ đợi để được chụp hình.
Khu vực bên cổng vào là cảnh chợ nổi trên mặt đất với những chiếc ghe chở đầy hoa, trái cây, một hình ảnh đặc trưng vùng Nam Bộ được dựng công phu.
Đặc biệt, năm nay có hàng chục gian hàng thư pháp được trang trí đẹp mắt, bố trí trước và bên phải nhà văn hoá. Theo đơn vị tổ chức, có khoảng 30 ông đồ, bà đồ có tuổi đời rất trẻ được chọn viết thư pháp tại đây, tạo sự mới mẻ, sáng tạo trong cách viết chữ thư pháp. Các gian hàng thư pháp thu hút khá đông khách chụp ảnh, xin chữ cho ngày Tết.
Bà đồ Minh Anh (24 tuổi), là một trong những bà đồ trẻ tại đây. Cô cho biết đây là năm thứ 3 cô được ra phố ông đồ cho chữ. Công việc chính của cô là làm kế toán nhưng rất đam mê viết thư pháp. “Việc học viết thư pháp thành thạo có thể mất từ vài tháng đến 1 năm tuỳ năng khiếu từng người. Người viết phải thường xuyên luyện tập chứ rất dễ quên tay nếu để lâu ngày không viết”, bà đồ này cho hay.
Do ban tổ chức quy định về phòng dịch nên các ông, bà đồ được test COVID-19 trước khi khai mạc. Minh Anh chia sẻ tình hình dịch bệnh thành phố có nhiều tích cực nhưng cô vẫn khá lo lắng khi hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người. Vì thế bà đồ trẻ mong khách tới các gian hàng cần giữ khoảng cách để ai cũng được an toàn.
Bà đồ Võ Thị Kiều Trâm cẩn trọng hơn khi cùng nam đồng nghiệp của gian hàng mang thêm tấm chắn giọt bắn. Cô cho biết mặc dù gặp chút khó khăn khi nhìn viết qua tấm nhựa trong suốt nhưng cô mang để đảm bảo an toàn, an tâm hơn khi phải tiếp xúc nhiều người trong nhiều ngày tới đây.
Bà đồ 23 tuổi cho biết cô học viết thư pháp từ lúc còn học cấp 2, đây là năm thứ 6 được tham gia viết thư pháp tại phố ông đồ. Công việc chính của cô là nhân viên bất động sản.
Đến cuối chiều, các khu vực từ trong ra ngoài nhà văn hoá trở nên đông đúc hơn, nhiều người phải chen chúc, tránh né nhau để có không gian chụp hình.
Tiểu cảnh tết xưa luôn có hàng chục người xếp thành hai hàng chờ đến lượt vào chụp ảnh.
Lòng đường phía trước Nhà Văn hoá Thanh niên cũng luôn nhộn nhịp người qua lại, vui chơi Tết sớm. Các hoạt động vui chơi tại đây sẽ diễn ra đến 12h ngày 31/1 (29 Tết).
Nguồn: [Link nguồn]