'Bà đỡ' cho rùa ở Côn Đảo

Sự kiện: 24h vạn dặm

Khi rùa mẹ đã rời khỏi tổ đẻ, quay về với biển là lúc các kiểm lâm viên nhẹ nhàng dùng tay đào cát lên lấy từng quả trứng cho vào giỏ lưới mang về lò ấp. Khoảng 45 - 60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở và rùa con sẽ được thả về với biển.

Trắng đêm canh rùa đẻ

Các bãi biển thuộc Hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là nơi có số lượng rùa biển tìm về làm tổ đẻ trứng nhiều nhất tại Việt Nam.

Anh Trần Mạnh Hùng - Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, cho biết: “Được làm công tác bảo tồn rùa biển bằng những việc làm ý nghĩa như làm 'bà đỡ' cho rùa mẹ, chúng tôi thấy hạnh phúc và luôn cố gắng lan tỏa ý nghĩa bảo vệ sinh thái, môi trường và bảo tồn loài rùa biển quý hiếm”.

Rùa đẻ trứng trên bãi biển thuộc hòn Bảy Cạnh huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Tư liệu.

Rùa đẻ trứng trên bãi biển thuộc hòn Bảy Cạnh huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Tư liệu.

Theo anh Hùng, khi con nước lên cao, rùa mẹ chậm rãi bò lên bờ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng chân đào một lỗ sâu chừng 50-60 cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng. Trong ánh đèn sáng nhẹ, từng quả trứng rùa tròn và trắng như quả bóng bàn rơi xuống tổ. Xong việc, rùa mẹ dùng chân lấp tổ, xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình. Trong lúc chờ rùa đẻ, tuyệt đối không được dùng đèn pin, đèn điện thoại mà chỉ có thể sử dụng đèn chuyên dụng và không đứng trước đầu rùa, làm ồn.

Anh Trần Đình Đồng - nhân viên kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, cho biết, rùa có khả năng “nhịn đẻ” khoảng 1-3 ngày nếu nó không đào được tổ thích hợp. Đây là bản năng bảo vệ con của rùa mẹ, bảo đảm cho tổ trứng đủ độ sâu mà vẫn đủ không khí để trứng có thể phát triển tốt. Rùa mẹ đẻ xong sẽ lấp cát kín hố, sau đó tạo ra khoảng 2-3 hố đẻ giả để đánh lừa các loài thiên địch. Xong xuôi, rùa mẹ bơi ra biển và tiếp tục chu kỳ tạo trứng.

Lúc rùa bắt đầu đẻ trứng cũng là lúc nhân viên kiểm lâm bắt đầu làm "bà đỡ". Các kiểm lâm viên sẽ dùng một đèn pin nhỏ buộc vào chiếc que để chiếu ánh sáng vào tổ. Ánh sáng của đèn pin chỉ là tia sáng vừa đủ nhìn vào tổ rùa. Trên chiếc que này có một tấm bìa cứng ghi thông tin về ngày tháng năm rùa đẻ, tổ thứ bao nhiêu và có bao nhiêu trứng.

Bãi biển thuộc Hòn Bảy Cạnh huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi rùa làm tổ đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam.

Bãi biển thuộc Hòn Bảy Cạnh huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi rùa làm tổ đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam.

Khi rùa biển đã rời khỏi tổ đẻ, quay về với biển là lúc các kiểm lâm viên nhẹ nhàng dùng tay đào cát lên lấy từng quả trứng cho vào giỏ lưới mang về lò ấp. Anh Đồng cho biết, nếu lấy trứng sau 6 giờ, trứng rùa sẽ bị vỡ vì trứng rùa khác với các loài trứng khác là không có dây phôi nâng đỡ.

Ngoài việc đỡ đẻ cho rùa, những kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Côn Đảo còn phải làm nhiệm vụ bấm thẻ cho rùa mẹ để theo dõi. Việc bấm thẻ là để theo dõi xem có bao nhiêu rùa biển quay trở lại Côn Đảo đẻ trứng.

Hòn Bảy Cạnh chỉ có 8 “bà đỡ” (nhân viên kiểm lâm) nhưng phải đảm đương 3 bãi rùa biển lên đẻ trứng là Cát Lớn, Ximăng và bãi Cạn. Vào mùa rùa biển sinh sản, những kiểm lâm viên chia nhau đến 3 bãi này. Khi đêm xuống, một balô, một đèn pin và giỏ đựng trứng rùa, các kiểm lâm viên đi vòng quanh bãi từ đầu đêm đến sáng sớm làm xong nhiệm vụ “bà đẻ” mới về trạm.

“Một mẹ rùa vượt cạn thành công, quay đầu về với biển là chúng tôi thấy vui và thở phào nhẹ nhõm vậy nên dù thức trắng đêm hay có vất vả thì chúng tôi cũng luôn thấy tự hào vì đã góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rùa biển”, anh Phạm Trung Kiên, nhân viên kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh cho biết.

Ra đi để trở về

Khi đưa về tổ ấp, một nửa số trứng sẽ được cho vào hố có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào hố ấp được phủ tấm lưới chống nắng bên trên. Việc này là để cân bằng “giới tính” cho rùa con khi nở, bởi rùa biển có thể điều chỉnh được đực cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Khoảng 45-60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở.

Anh Phạm Trung Kiên - nhân viên kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, giới thiệu quy trình ấp trứng rùa với đoàn công tác báo Tiền Phong sáng 23/3.

Anh Phạm Trung Kiên - nhân viên kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, giới thiệu quy trình ấp trứng rùa với đoàn công tác báo Tiền Phong sáng 23/3.

Khi rùa con nở, sẽ chui ra khỏi vỏ trứng và chen nhau leo lên miệng tổ ấp. Nhân viên kiểm lâm sẽ cho rùa con vào giỏ, đưa xuống bờ cát khi con nước cao và mặt trời chưa gay gắt. Hàng trăm, hàng ngàn rùa con chập chững tự bò xuống biển trong quãng đường cỡ vài chục mét.

Anh Trần Mạnh Hùng, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh cho biết, rùa biển rất nhạy để nhận biết hình ảnh nơi chúng sinh ra. Và khi trưởng thành, rùa biển sẽ quay lại chính nơi chúng đã chào đời để đẻ trứng. Do đó, khi thả rùa về biển, phải thả từ trên bãi cát để chúng tự bò xuống biển. Đường bò xuống biển chỉ vài chục mét bờ cát, nhưng rùa biển đã ghi nhận hình ảnh về nơi chúng sinh ra.

Từ những năm đầu thập kỷ 1990, công tác bảo vệ, cứu hộ rùa biển, trứng rùa biển đã được bắt đầu. Ban đầu việc “đỡ đẻ” chỉ đơn giản là đánh dấu những tổ rùa trên bãi cát, để rùa nở tự nhiên, rồi theo dõi chúng ra biển.

Nhưng việc này không thể bảo đảm tối đa lượng trứng rùa nở thành công vì chịu nhiều tác động như bị người lấy trộm, tổ rùa bị ngập nước, trứng rùa bị động vật khác ăn, rùa đẻ sau đào phải tổ rùa đẻ trước.

Một tổ ấp trứng rùa ở Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh có ghi thông tin về ngày tháng năm rùa đẻ, tổ thứ bao nhiêu và có bao nhiêu trứng.

Một tổ ấp trứng rùa ở Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh có ghi thông tin về ngày tháng năm rùa đẻ, tổ thứ bao nhiêu và có bao nhiêu trứng.

Sau này, những “bà đẻ” phải can thiệp sâu hơn là phải theo dõi, quan sát rùa từ khi lên bờ “dò bãi” đến khi đẻ xong để lấy trứng về và ấp trứng bằng những tổ nhân tạo. Sau 45-60 ngày, trứng nở thì thả rùa về biển. Tỷ lệ ấp rùa thành công ở hòn Bảy Cạnh là gần 90%, trong khi nếu để cho các ổ trứng nở tự nhiên, tỉ lệ trứng nở chỉ tầm 27-30%. Tuy sinh sản dày và nhiều nhưng ngược lại tỷ lệ sống sót và trưởng thành của rùa biển rất ít, chỉ là 1/1.000.

Hòn Bảy Cạnh là 1 trong 16 đảo nhỏ thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích 693 ha, nằm ở phía đông đảo chính Côn Sơn. Hòn Bảy Cạnh gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Nơi đây là bãi đẻ lớn nhất và có số lượng rùa mẹ lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam.

Vườn Quốc gia Côn Đảo có khoảng 18 bãi biển có rùa lên đẻ trứng. Trong đó, 5 bãi có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất như hòn Bảy Cạnh, bãi Dương, hòn Cau, hòn Tre Lớn, hòn Tài được bố trí các trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.

Hàng năm, từ tháng 4-11, có khoảng 400 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trên 1.000 tổ trứng. Chủ yếu là 2 loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu là Vích và Đồi mồi. Gần 30 năm qua, lực lượng kiểm lâm Côn Đảo đã “đỡ đẻ” cho hàng chục ngàn tổ và thả về tự nhiên hàng triệu con rùa biển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Quang ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN