Ba điểm cộng cho Quốc hội

Diễn ra vào thời điểm “hậu” Hội nghị Trung ương 6, kỳ họp Quốc hội khai mạc sáng nay hứa hẹn sẽ cực nóng, với 3 đổi mới...

Kỳ họp thứ tư của Quốc hội diễn ra giữa bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội được nhìn nhận là rất khó khăn. Khi mà tại hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đều “sôi sục” với câu chuyện chống tham nhũng, chống lạm dụng chức vụ quyền hạn.

Rất mừng bởi ngay trước thềm phiên khai mạc, một số cơ quan Quốc hội đã tổ chức “điều trần” về nhiều vấn đề nóng bỏng, như sự cố ở Thủy điện Sông Tranh, tai nạn, ùn tắc giao thông…

Nghị trình sẽ bắt đầu từ hôm nay. Phải đợi cho tới từng phiên họp mới có thể biết mong mỏi của cử tri có được thỏa mãn hay không, nhưng sẽ có nhiều cải tiến mới mẻ được áp dụng ngay.

Ba điểm cộng cho Quốc hội - 1

Quốc hội không phải nghe xong rồi để đấy (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, lần đầu tiên, Chính phủ sẽ phải báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các kỳ họp thứ 2, thứ 3 vừa qua.

Nói như Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, kể cả khi nghe báo cáo việc thực hiện lời hứa hoặc nghe các báo cáo mới của bộ trưởng thì đương nhiên Quốc hội cũng sẽ chọn lọc xem vấn đề nào để thảo luận sâu hơn, ví dụ về ùn tắc giao thông, về tài chính...

Và đương nhiên, Quốc hội không phải nghe xong rồi để đấy. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn về vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu suôn sẻ, quy trình này sẽ được tiến hành vào năm tới. Cử tri có quyền kỳ vọng đây sẽ là một chế tài hữu hiệu. Để cho vị bộ trưởng nào hứa hẹn trước Quốc hội song không “giữ lời” ắt lúc lấy phiếu tín nhiệm sẽ không thể cao. Hai lần liên tiếp lấy phiếu mà tín nhiệm đều dưới ngưỡng thì sẽ chuyển sang bỏ phiếu.

Ngay tại kỳ họp lần này, quy trình nói trên chưa được áp dụng. Song việc yêu cầu bộ trưởng báo cáo kết quả thực hiện lời hứa sẽ chính là thông tin, dữ liệu cần thiết để năm tới các đại biểu có thể đánh giá tín nhiệm chính những vị trưởng ngành đó. Đồng thời cũng là phép thử hữu hiệu cho các vị khác.

Điểm mới thứ hai, đó là tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ công khai kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng thay vì “âm thầm” gửi báo cáo riêng tới từng đại biểu như lâu nay.

Mọi cam kết trước dân về quyết tâm chống lại “quốc nạn” sẽ chẳng có bao nhiêu giá trị nếu mọi thông tin đều nằm trong bóng tối. Công khai, minh bạch là yếu tố hàng đầu giúp cho công cuộc giám sát chống tham nhũng được hiệu quả. Và sẽ hiệu quả hơn nữa nếu các đại biểu Quốc hội thẳng thắn mổ xẻ những điểm bất cập, đòi hỏi ở Chính phủ cam kết trách nhiệm rõ ràng hơn.

Cũng thêm một điểm “cộng” cuối cùng cho kỳ họp lần này. Đó là việc tăng gấp rưỡi thời lượng các phiên họp được truyền hình trực tiếp, giúp người dân dễ dàng biết được các nghị sĩ nói gì về luật Đất đai, về phòng chống tham nhũng, về sửa đổi Hiến pháp…

Chương trình nghị sự lần này tương đối “nặng ký” khi cùng lúc thảo luận về những vấn đề quan trọng - đất đai, tham nhũng, bỏ phiếu tín nhiệm và đặc biệt là sửa đổi Hiến pháp. Quyết sách đưa ra cho những vấn đề trên sẽ có hiệu lực cho cả giai đoạn phát triển về sau của đất nước.

Rõ ràng, dư địa cho đổi mới hoạt động Quốc hội vẫn còn nhiều và phải làm từng bước. Nhưng để cho những bước tiến trên không trở thành hình thức thì cốt yếu là nghị trường phải nói được tiếng dân. Người dân trông đợi những bước tiến dân chủ và không khí thẳng thắn, cởi mở tại các kỳ họp Quốc hội những năm gần đây sẽ tiếp tục được kế thừa, phát huy đúng lúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nhung (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN